| Hotline: 0983.970.780

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

Thứ Hai 04/11/2024 , 07:07 (GMT+7)

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.

Trong những ngày cuối tháng 10, khi những cơn gió se lạnh bắt đầu len lỏi trên cao nguyên Mộc Châu, chúng tôi tìm đến bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Không khí mát mẻ, trong lành của vùng cao nguyên khiến lòng người nhẹ nhàng hơn, như mở ra một trang sách mới đầy hứa hẹn.

Vùng sản xuất rau an toàn của hộ sản xuất Nguyễn Thị Luyến. Ảnh: T. Thành.

Vùng sản xuất rau an toàn của hộ sản xuất Nguyễn Thị Luyến. Ảnh: T. Thành.

Con đường dẫn vào Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên được trải bê tông sạch sẽ, hai bên là những diện tích rau củ xanh mướt, xen kẽ với những ngôi nhà xây khang trang, ô tô đỗ đầy sân. Khung cảnh yên bình nhưng đầy sức sống, như một bức tranh tuyệt đẹp của nông thôn Việt Nam thời hiện đại.

Những tấm biển với dòng chữ “Hợp tác xã Rau an toàn - Vùng sản xuất rau an toàn VietGAP” của các hộ gia đình được treo ngay ngắn, như một lời khẳng định mạnh mẽ về chất lượng và uy tín của HTX rau an toàn đã dày công xây dựng.

Hỏi thăm về bà Luyến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tự Nhiên, không ai là không biết. Cái tên "bà Luyến trồng rau sạch" đã trở thành niềm tự hào, một biểu tượng cho sự đổi thay và phát triển của cả vùng. Lối đi từ cổng vào nhà dài khoảng 30 mét, đổ bê tông bằng phẳng. Hai bên ngõ là khu nhà lưới chắc chắn, bên trong là những luống rau, củ, quả xanh tươi tốt. Nhìn những bẹ rau mơn mởn dưới ánh nắng nhẹ, khó ai có thể tưởng tượng rằng, nơi này trước đây vốn là mảnh đất sình lầy, bỏ hoang, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Hành trình từ mảnh đất sình lầy

Ngồi trong sân nhà giản dị nhưng ấm cúng, bà Nguyễn Thị Luyến (72 tuổi) chậm rãi kể về hành trình gian nan nhưng đầy ý nghĩa của mình. Năm 1980, theo tiếng gọi của Đảng, gia đình bà cùng 41 hộ dân từ Thường Tín (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) lên bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La) khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. "Ngày đó, chúng tôi mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, dù biết rằng phía trước là muôn vàn khó khăn" bà Luyến nhớ lại, đôi mắt thoáng chút xa xăm.

Thời gian đầu, bà con chủ yếu trồng lúa, trồng ngô. Đất đai khô cằn, năng suất thấp, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, bà Luyến tâm sự: "Có những ngày, nhìn cánh đồng ngô cằn cỗi, tôi tự hỏi liệu chúng tôi có lựa chọn đúng không". Nhưng rồi, với sự nhạy bén và tầm nhìn xa, bà nhận ra rằng vùng đất này có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, rất thích hợp để trồng rau.

"Khí hậu Mộc Châu mát mẻ quanh năm, ngày đêm se lạnh, đất đai, nguồn nước không bị ô nhiễm. Tôi nghĩ, tại sao không thử trồng rau như ở quê nhà?" Năm 1990, bà quyết định chuyển 2 ha diện tích trồng ngô, lúa sang trồng mận hậu và rau màu. Ban đầu, nhiều người nghi ngại, thậm chí có người cho rằng bà mạo hiểm. Nhưng với niềm tin mãnh liệt, bà kiên định với lựa chọn của mình.

Mô hình trồng rau sạch theo quy trình VietGAP của HTX Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La). Ảnh: T.Thành.

Mô hình trồng rau sạch theo quy trình VietGAP của HTX Rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu, Sơn La). Ảnh: T.Thành.

Cây trồng hợp đất, khí hậu nên phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp gia đình bà từng bước ổn định cuộc sống. Ánh mắt lấp lánh đầy niềm vui, bà Luyến cười nói với chúng tôi: "Khi nhìn những luống rau xanh mướt, tôi cảm thấy niềm tin của mình đã được đền đáp". Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rau sạch, bà Luyến nảy ra ý tưởng mở rộng mô hình này cho cả bản, mong muốn giúp đỡ bà con thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Xây dựng Hợp tác xã từ con số không

Năm 2010, với tấm lòng nhiệt huyết và mong muốn thay đổi cuộc sống của cộng đồng, bà Luyến cùng một số chị em phụ nữ thành lập Tổ hợp tác trồng rau sạch với 7 thành viên, diện tích hơn 4 ha. Lúc đó, mọi thứ rất khó khăn, bà con quen trồng ngô, lúa, thấy hiệu quả kinh tế thấp nhưng vẫn e ngại việc chuyển đổi cây trồng.

Với tâm niệm "mồm nói, tay phải làm, chân phải bước", bà không chỉ nói mà còn làm gương. Bà bắt tay vào trồng rau sạch với quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật mới, mặc cho nhiều ánh mắt hoài nghi. "Tôi tin rằng, khi mọi người thấy hiệu quả kinh tế thực sự, họ sẽ theo" bà cười. Quả thật, chỉ sau một năm, số lượng thành viên tăng lên 19 người, diện tích mở rộng lên 9,7 ha.

Đến năm 2013, với 35 hộ và 76 thành viên, bà Luyến đứng ra thành lập HTX sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do bà làm giám đốc. "Lúc mới thành lập HTX, việc triển khai theo tiêu chuẩn VietGAP rất ngặt nghèo. Bà con chưa quen với việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Tôi phải động viên, hướng dẫn từng người, mưa dầm thấm lâu, bà con cũng quen dần", bà Luyến kể lại.

Bà Nguyễn Thị Luyến kiểm tra vùng trồng cà chua của HTX. Ảnh: T.Thành.

Bà Nguyễn Thị Luyến kiểm tra vùng trồng cà chua của HTX. Ảnh: T.Thành.

Ban đầu, kỹ thuật của bà con chỉ dừng lại ở việc đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa tiếp cận được với tiêu chuẩn VietGAP. Việc triển khai theo tiêu chuẩn mới đòi hỏi sự nghiêm túc trong ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Bà con không biết tiếng Anh, không viết được các hoạt chất, bà Luyến vận động họ mang theo bao bì thuốc để ghi vào nhật ký.

Những buổi tối, sau một ngày lao động mệt nhọc, bà Luyến lại tổ chức các buổi học rút kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách ghi chép, nhận biết các loại thuốc. "Có lúc mệt mỏi, tôi tự hỏi liệu mình có đang đòi hỏi quá nhiều không. Nhưng nhìn ánh mắt chăm chú của bà con, tôi biết mình không được bỏ cuộc", bà nói.

Thời gian đầu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. HTX của bà Luyến phải gửi rau qua xe khách đến các chợ đầu mối, chất lượng không đảm bảo, hao hụt nhiều. Có những lúc, rau vừa đến nơi đã héo úa, lòng tôi đau như cắt. Nhưng rồi, với sự hỗ trợ của Viện Rau quả và sự liên kết với các đối tác, HTX bắt đầu đưa rau vào các siêu thị lớn như Metro, BigC.

Để đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng, HTX đã đầu tư mua xe tải chuyên chở. Ban đầu chỉ có một xe 1 tấn, sau tăng lên hai xe. Hiện nay, mỗi ngày HTX Rau an toàn Tự Nhiên xuất từ 2-3 tấn rau, cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn Hàn Quốc và các cửa hàng sạch từ Nghệ An đến Thanh Hóa...

Bà Luyến cho biết, có năm cà chua được giá, với 1ha trồng cà chua, sau khi đã trừ tri phí có thể thu về cả tỷ đồng/năm. Ảnh: Quang Dũng.

Bà Luyến cho biết, có năm cà chua được giá, với 1ha trồng cà chua, sau khi đã trừ tri phí có thể thu về cả tỷ đồng/năm. Ảnh: Quang Dũng.

Áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao

Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện chất lượng sản phẩm, bà Luyến còn tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ban đầu, việc tưới tiêu cho toàn bộ diện tích rau được sử dụng bằng những chiếc ô doa bằng tay. Công việc nặng nhọc và tốn thời gian. Nhờ sự hỗ trợ của huyện, HTX đầu tư hệ thống tưới tự động, xây dựng các khu nhà màng, nhà lưới. Điều này không chỉ giảm chi phí mà còn tăng năng suất, chất lượng rau cũng được nâng cao. Hiện tại, 100% xã viên của HTX đều áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, các thành viên của HTX đã chuyển sang viết nhật ký số trên điện thoại thông minh. "Chúng tôi có máy chủ để quản lý, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đến tận tay người tiêu dùng. Điều này giúp tăng niềm tin của khách hàng và nâng cao giá trị sản phẩm," bà Luyến chia sẻ.

Phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc của HTX Rau an toàn Tự Nhiên. Ảnh: T.Thành.

Phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc của HTX Rau an toàn Tự Nhiên. Ảnh: T.Thành.

Hiện nay, HTX có tổng diện tích 25 ha, trồng 32 loại rau, từ rau gia vị đến các loại rau củ quả. Việc sản xuất đa dạng các loại rau sẽ góp phần đa dạng hơn thị trường tiêu thụ.

HTX cũng liên kết thêm với 4 hợp tác xã khác, trong đó có 2 HTX ở Mộc Châu, 1 HTX ở Vân Hồ và 1 HTX ở Mai Sơn. "Chúng tôi muốn tạo ra một mạng lưới sản xuất rau sạch, đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường và nâng cao thu nhập cho bà con. Sự liên kết này không chỉ giúp chúng tôi mở rộng quy mô mà còn tạo ra sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng". Bà Luyến cho biết.

Kết quả ngọt ngào từ những nỗ lực không ngừng

Hiện nay, với mỗi 1 ha đất trồng rau củ quả, sau khi trừ chi phí, bình quân lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Đây là con số mơ ước mà trước đây bà Luyến cũng như nhiều bà con trong bản không dám nghĩ tới. Nhưng điều khiến họ hạnh phúc nhất là thấy cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình đều thay đổi, con em được đến trường, gia đình ấm no.

Dẫn chúng tôi đi thăm những diện tích trồng rau bạt ngàn, bà ân cần nâng niu từng bẹ rau, như người mẹ chăm sóc những đứa con thân yêu. Đi trên con đường trải bê tông sạch sẽ, nhìn những diện tích rau xanh mướt, những ngôi nhà cao tầng, bà không khỏi xúc động: "Chúng tôi đã biến vùng đất sình lầy thành nơi tràn đầy sức sống và hy vọng".

Diện tích trồng rau màu của HTX Rau an toàn Tự Nhiên được lắp đặt hệ thống tưới tự động. Ảnh: T.Thành.

Diện tích trồng rau màu của HTX Rau an toàn Tự Nhiên được lắp đặt hệ thống tưới tự động. Ảnh: T.Thành.

Rời bản Tự Nhiên, chúng tôi mang theo trong lòng niềm cảm phục sâu sắc trước tinh thần và nghị lực của người dân nơi đây. Họ đã chứng minh rằng, với niềm tin, sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng, không có gì là không thể. Nhìn những cánh đồng rau xanh mướt trải dài, chúng tôi hiểu rằng, niềm tin và hy vọng chính là hạt giống quý giá nhất. Khi được gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ của lòng người, nó sẽ nảy mầm và đơm hoa kết trái, mang lại những mùa bội thu cho cuộc sống.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội

Tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cuốn pháo tự chế gây nổ lớn ở Bắc Giang

Cuốn pháo tự chế, một người đàn ông ở huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã thiệt mạng trong vụ nổ lớn xảy ra tối 2/12. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra.