Với mô hình nuôi bò vỗ béo, người dân ở Quảng Ngãi không chỉ tiết kiệm được công chăn thả, ít dịch bệnh mà còn mang lại nguồn thu nhập tương đối cao.
Nuôi bò vỗ béo rủi ro thấp, hiệu quả cao
Đây là trang trại chăn nuôi bò vỗ béo của ông Trần Văn Trúc, thôn An Phú, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, gia đình ông Trúc đang có khoảng 40 con bò giống siêu thịt 3B với đủ các tháng tuổi. Ông Trúc cho biết bò giống được gia đình mua về khi đạt độ tuổi từ 3 đến 5 tháng, trọng lượng khoảng trên dưới 200kg mỗi con. Các chuồng nuôi được thiết kế liền kề với diện tích khoảng 5m2. Thức ăn của bò chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như bã bia, xác đậu nành, cỏ voi, rơm rạ, cám tổng hợp. Theo ông Trúc chia sẻ chỉ cần chịu khó thường xuyên theo dõi, chăm sóc, cho bò ăn đủ các chất dinh dưỡng và tiêm phòng các loại vacxin. Nếu thực hiện tốt bò sẽ lớn nhanh, ít khi bị dịch bệnh rủi ro cũng rất thấp.
Ông Trần Văn Trúc, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Chúng ta mua 1 con bò 25 triệu trong thời điểm này. Con bò đó chúng ta nuôi từ 12 – 14 tháng. Cứ mỗi tháng như vậy đầu tư cho con bò 1 triệu. Như vậy tổng chi phí giữa tiền đầu tư và tiền thuốc cho bò tầm khoảng 38 triệu. Nếu chúng ta bán thời điểm con bò từ 12 – 14 tháng, đối với con bò chúng ta mua 25 triệu đó thì nó sẽ đạt từ 550 đến 600 ký hơi. Với thời điểm này giá từ 85 – 90.000 đồng/kg thì đối với con bò đó chúng ta bán từ 50 đến 53 triệu đồng một con. Như vậy trừ chi phí thì mỗi tháng chúng ta lãi được 1 triệu đồng.
Ông Trúc cho hay, nuôi bò vỗ béo điều quan trọng đầu tiên là khâu chọn giống. Nếu chọn được con giống tốt thì bò có sức khỏe, lớn nhanh và đạt trọng lượng lớn. Để tăng hiệu quả chăn nuôi, ông Trúc cũng đã tìm tòi, học hỏi để tạo ra chế phẩm men sinh học IMO gốc trộn vào thức ăn. Nhờ đó bò sẽ có cảm giác thèm ăn, tiêu hóa tốt hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 3 đến 4 tháng trước khi xuất bán, cần chú ý cho bò ăn đủ lượng, đủ chất để đạt được cân nặng tối đa, giá trị của bò sẽ tăng lên. Trung bình mỗi năm, ông Trúc xuất bán từ 15 đến 20 con bò thịt. Với giá bán từ 50 đến 60 triệu đồng mỗi con, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình ông lãi khoảng 300 triệu đồng.
Bà Huỳnh Thị Yến, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thuận.
Phòng Nông nghiệp cũng như Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao các khoa học kỹ thuật, tập huấn cho bà con nên quá trình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Bây giờ không còn như hồi xưa, cho ăn rơm rạ, cỏ còn bữa nay người ta cho ăn thức ăn tổng hợp, không phải chuyên về cám hết. Họ tận dụng thức ăn ở địa phương như Bắp, cám, mì, xác bia, xác đậu, rơm rạ, cỏ các vi sinh vật. Như hộ ông Trần Văn Trúc đây, từ mật, ông tạo ra các vi sinh vật, thức ăn cho bò rất có hiệu quả. Hiện nay đối với xã Hành Thuận, nuôi bò 3B rất phát triển, đem lại hiệu quả cao cho người dân.
Với hiệu quả cao, bò nuôi trong chuồng giảm được công chăn thả và kiểm soát được dịch bệnh, những năm qua, mô hình nuôi bò vỗ béo đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Chăn nuôi bò được xem là thế mạnh của các địa phương này với nhiều hộ gia đình có số lượng đàn bò tương đối lớn và tăng trưởng đều qua các năm.