Bảo hiểm thất nghiệp: ‘Cứu cánh’ của người lao động bị mất việc
Thứ Tư 09/04/2025 , 06:53 (GMT+7)
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp hàng nghìn người lao động giảm bớt khó khăn khi mất việc làm và được coi như ‘cứu cánh’ của họ.
Bảo hiểm thất nghiệp: ‘Cứu cánh’ của người lao động bị mất việc
Hàng năm, có hàng chục nghìn lao động bị cho nghỉ việc do vòng xoáy kinh tế và sự thay đổi liên tục về nhân sự của doanh nghiệp. Điều này đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là vấn đề tài chính của người lao động. Trước thực tế đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang tác động trực tiếp đến người lao động, góp phần giải quyết an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Đối với họ, bảo hiểm thất nghiệp có thể nói là “cứu cánh” trong quãng thời gian chưa tìm được việc làm mới.
Chị NGUYỄN LIÊN HƯƠNG
Quận Ba Đình, Hà Nội
Thực sự em vô cùng biết ơn xã hội có chính sách này vì thị trường lao động khá bâp bênh, sa thải hiện nay cũng khá nhiều khi công nghệ phát triển lên. Cũng rất may mắn là trước đây thu nhập của em tương đối tốt nên bảo hiểm thất nghiệp hiện nay cũng đủ để em chi phí sinh hoạt hàng tháng. Việc đi khai báo trong lúc đi tìm việc làm để có thêm 1 chút thu nhập thì chính sách xã hội này của mình quá tốt.
Với ý nghĩa nhân văn mà chính sách bảo hiểm thất nghiệp mang lại, nhiều ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu, không quy định giới hạn thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, góp phần hỗ trợ đời sống của người lao động khi gặp rủi ro về việc làm.
Bà VŨ THỊ THANH LIỄU
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Chúng tôi nghĩ nên tăng thêm thời gian cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp như hiện nay là 12 tháng. Như vậy sẽ khuyến khích, động viện được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn. Như hiện nay có nhiều cán bộ, viên chức nghỉ việc theo diện tinh giảm mà tuổi đời còn khá trẻ. Quá trình đi xin việc lại mà ở độ tuổi 40 trở lên thì rất khó xin việc mà người ta đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhiều năm thì cũng chỉ hưởng tối đa 12 tháng.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng nêu thực trạng người lao động vừa có việc làm mới, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hay nói cách khác là trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.
Bà VŨ THỊ THANH LIỄU
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Một là bị thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp, 2 là sẽ bị phạt hành chính. Đặc biệt là không được bảo lưu toàn bộ quá trình đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Có những người đóng tới mười mấy năm, nhưng chỉ vì lí do anh có việc làm rồi mà vẫn đề nghị hưởng thì toàn bộ quá trình đó sẽ bị hủy và không được bảo lưu. Khi đã có việc làm rồi thì anh chị đừng đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa bởi quá trình tham gia BHTN vẫn được bảo lưu cho đến khi thật sự mất việc thì vẫn được cộng dồn để tính chứ không mất đi.
Có thể nói, bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam không đơn thuần là một chế độ chính sách mà còn là minh chứng cho sự tiến bộ trong tư duy quản lý xã hội, lấy con người làm trung tâm. Dù vẫn còn những hạn chế về mức hỗ trợ hay thủ tục, nhưng tính nhân văn của chính sách này thể hiện qua mục tiêu cao cả là bảo đảm an sinh và tạo cơ hội công bằng cho mọi người lao động.