Thanh Hóa có 610 hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trước đây, việc mưu sinh cửa người dân dựa vào đánh bắt trực tiếp cá dưới lòng hồ, theo phương thức tận diệt. Để thay đổi thói quen của người dân, chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân từ bỏ các hình thức đánh bắt bằng kích điện, vó... Thay vào đó là đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững. |
Tại hồ thủy điện Trung Sơn trên sông Mã, thuộc huyện Quan Hóa, do có nguồn nước từ suối Quanh, suối Con, rừng tự nhiên chảy về không bị ô nhiễm nên rất thích hợp cho việc phát triển nuôi các loại cá lồng chất lượng cao. |
Đầu năm 2023, xã Trung Sơn đã thành lập HTX cựu chiến binh nuôi cá lồng. HTX đã giúp các thành viên liên kết, hỗ trợ từ khâu lựa chọn giống, đến kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, HTX đã có 21 hộ tham gia, với số lượng 112 lồng nuôi. |
Phỏng vấn anh Nguyễn Biên Cương, Giám đốc HTX cựu chiến binh nuôi cá lồng: Gia đình tôi có 6 lồng nuôi, năm 2024 trừ chi phí thu lãi về 160 triệu đồng. Nguồn nước ở đây rất trong lành, thích hợp để nuôi cá lồng. Định hướng trong thời gian HTX sẽ mở rộng số lượng thành viên và số lồng nuôi |
Năm 2024, một tổ chức cũng đã hỗ trợ một máy ép cám viên nổi cho HTX nuôi cá lồng Trung Sơn. Từ nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như sắn, ngô, cám gạo, cá tép từ thả vó… nguồn nguyên liệu này được nghiền thành bột, đưa vào máy ép thành viên làm thức ăn cho cá lồng. |
Thống kê cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.670 ô lồng nuôi trên các lòng hồ thủy lợi, thủy điện, với tổng thể tích lồng nuôi trên 72.700m3. Sản lượng cá hàng năm nuôi đạt trên 1.300 tấn. |
Để mô hình nuôi cá lồng được nhân rộng, có định hướng phát triển phù hợp, có đầu ra cho sản phẩm. Ngành chức năng ở địa phương thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Phỏng vấn ông Lê Minh Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục biển đảo và Thủy Sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường): Nuôi cá lồng ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện những năm qua đang cho hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Dự kiến đến năm 2030, diện tích nuôi cá lồng của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 220 ha, với trên 3.800 lồng nuôi, sản lượng đạt trên 9.100 tấn. Chúng tôi thường xuyên liên kết với các tổ chức để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hạn chế dịch bệnh và đặc biệt là đảm bảo nguồn nước, tránh ô nhiễm môi trường. |
Có thể nói, phát triển nuôi cá lồng ở Thanh Hóa đang có nhiều tiềm năng lợi thế, sử dụng hiệu quả mặt nước. Ngoài việc định hướng, tăng quy mô sản xuất và chuyển đổi nuôi công nghiệp, đồng bộ, an toàn. Các ngành chức năng ở Thanh Hóa cũng cần thường xuyên giám sát, đảm bảo môi trường nuôi không ô nhiễm. Có như vậy mới đạt được phát triển bền vững, ổn định sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân lâu dài, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi và ven biển. |