Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: 'Không có kiến thức thì đừng nuôi tôm. Người dân phải được đào tạo, huấn luyện. Nuôi tôm dứt khoát phải liên kết, manh mún không mang lại hiệu quả'.
Muốn nuôi tôm bền vững phải đẩy mạnh liên kết
MC: Việt Nam có hệ thống bờ biển trải dài, có dư địa lớn để phát triển toàn diện ngành tôm.
Phỏng vấn ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Phải khẳng định là nông dân chúng ta có nghề chỉ có vấn đề là chúng ta có làm nghề theo đúng cách của mình hay không, đặc biệt với nuôi tôm là chúng ta có thị trường, cả trong nước lẫn xuất khẩu. Đến nay chúng ta có công nghệ chế biến nhất định để đảm bảo xuất khẩu. Rất nhiều các Viện, trường, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành tôm đã chuyển giao công nghệ rất sáng tạo".
MC: Con tôm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, điều này được thể hiện qua “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, xác định tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD hàng năm. Lý thuyết là thế nhưng để đi đến đích không phải là chuyện dễ dàng, nhất là đặt trong bối cảnh có quá nhiều rào cản, thách thức đang bủa vây.
- Phỏng vấn ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An: “Việt Nam là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản, trong đó có chế biến tôm đứng hàng đầu thế giới, đây là thuận lợi lớn để phát triển ngành tôm. Bên cạnh đó chúng ta còn muôn vàn khó khăn, sự quan tâm, đầu tư cho ngành nuôi còn quá nhỏ lẻ, khó khăn thứ 2 là vấn đề môi trường, dịch này chưa hết thì đã xuất hiện dịch khác”.
MC: Trên thực tế nghề nuôi tôm trong những năm gần đây thực sự bấp bênh, số đông cơ bản triển khai dưới dạng mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết bền vững, kết hợp môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, chất lượng con giống không đảm bảo, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng tức thì kéo theo tình cảnh thua lỗ triền miên, điều này dẫn đến tâm lý âu lo tột độ.
- Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hoàn, hộ nuôi tôm tại xã Hưng Hòa, TP Vinh: “Đề nghị ngành thủy sản phải nghiên cứu lại con giống, con giống trôi nổi hơi nhiều, chất lượng không có. Thứ hai là việc nạo vết kênh mương không đảm bảo kéo theo tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nói chung là nhiều công đoạn, rất khó khăn. Nhà nông chúng tôi đầu tư lớn vào đầm tôm nhưng nuôi không hiệu quả, như năm nay 10 hộ nuôi thì chỉ được 1 hộ trúng”.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, việc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì tổ chức hội nghị tổng kết, nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm là dịp thuận lợi để các cấp, ngành liên quan nắm bắt tổng thể diễn biến, từ đó bàn bạc hòng đưa ra giải pháp phù hợp để sớm xử lý dứt điểm những điểm nghẽn.
Để phát triển ngành tôm bền vững nhất thiết phải tạo nên bước chuyển mang tính căn cơ, muốn làm được đòi hỏi sự thay đổi lớn trong nếp nghĩ, cách làm của chính những chủ thể trực tiếp tham gia.
- Phỏng vấn ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Nếu như không có kiến thức thì đừng nuôi tôm, chúng tôi khẳng định một điều không ai ăn may được mãi đâu. Chúng ta phải được đào tạo, phải được huấn luyện. Dứt khoát chúng ta phải liên kết, sự manh mún không mang lại được hiệu quả. Mua chung, bán chung sẽ mang lại giá trị, thế thì chúng ta phải thực hiện liên kết, là liên kết thực sự. Chúng ta phải trở thành cộng đồng cùng đồng hành với các tác nhân khác, với doanh nghiệp, với người bán, với người mua để tạo thành mối liên kết thực sự”.
MC: Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để phát triển lớn mạnh ngành tôm. Từ định hướng, lộ trình của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, tin rằng với sự quyết tâm cao độ của chính quyền địa phương và số đông hộ nuôi, việc nâng tầm toàn diện ngành tôm là mục tiêu có thể đạt được.