Xu hướng sử dụng chế phẩm từ thảo dược
Nghề nuôi tôm vẫn phát triển sau những thăng trầm, mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành cũng đặt ra thách thức lớn về ô nhiễm môi trường ngày nay.
Việc sử dụng hiệu quả thuốc thủy sản và các chế phẩm sinh học là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất trong nuôi trồng thủy sản nói chúng, nuôi tôm nói riêng hiện nay.
Phân tích về những lợi ích của việc sử dụng chế phẩm sinh học, TS. Nguyễn Tấn Sỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Thủy sản SA-BIO cho hay, sử dụng hiệu quả chế phẩm sinh học giúp kiểm soát và phòng trừ các bệnh tật trong nuôi tôm, đặc biệt là trong điều kiện nuôi mật độ cao và môi trường nước ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, còn có thể hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của động vật nuôi, giúp chúng chống lại các bệnh tật một cách hiệu quả hơn mà không cần sử dụng kháng sinh.
Đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học như probiotics có thể giúp cải thiện chất lượng nước, xử lý nước đầu vào, xử lý nước thải trong quá trình nuôi, sau khi kết thúc vụ nuôi, giảm stress môi trường và cải thiện sinh trưởng của động vật nuôi…
“Bằng cách kiểm soát các bệnh tật và cải thiện điều kiện môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả thuốc thủy sản và chế phẩm sinh học có thể giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả của quá trình nuôi trồng thủy sản; đồng thời giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, nâng cao tỷ lệ thành công, từ đó giảm giá thành và tăng lợi nhuận cho người nuôi trồng thủy sản”, ông Sỹ nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Sỹ việc sử dụng thuốc thủy sản và chế phẩm sinh học cần được thực hiện một cách cẩn thận, hợp lý và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: Đúng lúc - đúng loại - đúng liều - đúng lượng; tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đồng thời cần có sự giám sát, kiểm tra định kỳ để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong nuôi trồng thủy sản.
Cũng theo ông Sỹ, hiện nay xu hướng sử dụng chế phẩm từ thảo dược thay thế kháng sinh trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm đang ngày càng trở nên phổ biến, hiệu quả và được đánh giá cao. Điều này giúp giảm nguy cơ phát triển các chủng vi khuẩn kháng thuốc, tăng cường khả năng điều trị bệnh cho tôm một cách hiệu quả và an toàn hơn.
Tôm thương phẩm được nuôi bằng phương pháp sử dụng chế phẩm từ thảo dược thường có ít hoặc không chứa các hóa chất tổng hợp có độc tính cao, từ đó giúp cải thiện tính an toàn thực phẩm và tăng niềm tin từ phía người tiêu dùng.
Sử dụng chế phẩm từ thảo dược thường đi kèm với các phương pháp nuôi tôm bền vững hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và giảm chi phí sản xuất, do đó tăng hiệu quả và tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
“Nói chung xu hướng sử dụng chế phẩm từ thảo dược trong sản xuất tôm không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe cho tôm mà còn đóng góp vào sự bền vững và phát triển của ngành công nghiệp thủy sản”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Ông Dương Thanh Thoại, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Dương Hùng miền Trung (Quảng Nam) chia sẻ, hiện nay có rất nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Đối với Công ty Thủy sản Dương Hùng miền Trung, đang áp dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nuôi tôm trong ao ương 20 - 30 ngày trong diện tích ao nhỏ nhằm giảm sự tác động của thời tiết và môi trường. Sau đó đến giai đoạn nuôi tôm thương phẩm trong ao lớn 60 - 70 ngày là có thể thu hoạch được. Nhờ đó có thể nuôi được 4 - 5 vụ/năm, giảm chi phí sản xuất, diện tích nuôi cũng như giúp cho tôm giảm hẳn dịch bệnh, tăng trưởng tốt hơn.
“Đáng chú ý, ở mô hình này, Công ty chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học và vi sinh, nói không với các loại hóa chất và kháng sinh”, ông Thoại nhấn mạnh.
Góp phần đạt mục tiêu giảm dấu chân sinh thái trong nông nghiệp
Ông Ngô Tiến Chương, Chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia đặt mục tiêu giảm dấu chân sinh thái trong nông nghiệp, trong khi vẫn cung cấp đủ lương thực cho dân số toàn cầu đang ngày càng tăng và giàu có hơn.
Ông Chương đánh giá, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu về tôm. Vì thế, khâu sản xuất tôm là một phần quan trọng cần góp phần vào tăng trưởng xanh hơn. Cần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm tác động môi trường, tập trung vào hệ sinh thái, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất sử dụng tài nguyên.
Theo ông Chương, ngành tôm trong lộ trình giảm phát thải cần tăng cường các phương thức nuôi bền vững và hiệu quả tài nguyên như hệ thống tuần hoàn nước, đổi mới sáng tạo để giảm lượng nước tiêu thụ và ô nhiễm môi trường.
Quản lý tốt chất lượng nước để giảm thiểu sử dụng hóa chất, phân bón hóa học; đồng thời sử dụng các biện pháp xử lý nước thải hiệu quả. Công nghệ tiên tiến có thể giảm lượng khí thải từ quá trình sản xuất.
Sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ nguồn tài nguyên bền vững, như thức ăn từ nguồn thực vật hoặc từ nguồn biển được quản lý bền vững. Duy trì và phát triển các phương thức nuôi dựa vào tự nhiên như tôm - rừng, tôm - lúa.
Phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, giúp bền vững về môi trường; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Còn theo ông Sỹ, để đáp ứng các yêu cầu của xu hướng thị trường trong giai đoạn tới về tăng trưởng xanh, bền vững và giảm thiểu carbon, ngành tôm nước ta cần áp dụng công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước (RAS) để giảm thiểu lượng nước sử dụng và giảm thiểu chất thải trong quá trình nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường.
Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió để cung cấp nguồn điện cho hệ thống nuôi tôm nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Thiết lập các hệ thống xử lý chất thải hiệu quả để xử lý chất thải rắn và lỏng, không xả thải trực tiếp ra môi trường để giảm thiểu ô nhiễm.
Áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến như nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn, nuôi tôm trong nhà kính hoặc các hệ thống nuôi tôm biofloc để tăng năng suất và giảm tác động môi trường.
Áp dụng Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu lớn để giám sát và tối ưu hóa quá trình nuôi tôm, từ quản lý chất lượng nước, quản lý môi trường nuôi, quản lý vùng nuôi và quản lý chất lượng tôm thương phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Nâng cao nhận thức cộng đồng và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc tiêu thụ sản phẩm an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững.
Nghiên cứu và áp dụng các công nghệ sinh học để cải thiện sức khỏe tôm và tăng hiệu quả sản xuất.
“Bằng cách thực hiện những biện pháp này, ngành sản xuất tôm có thể hướng tới một mô hình phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đáp ứng các yêu cầu của thị trường toàn cầu về tăng trưởng xanh và giảm thiểu carbon”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Kiến trúc sư Vũ Hồng Thái, Giám đốc thiết kế Công ty Aqua Mina, người đầu tiên chuẩn hóa quy trình tư vấn thiết kế trang trại nuôi tôm công nghệ cao một cách chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả cho biết: “Áp dụng khoa học kỹ thuật là cần thiết nhưng cấp bách nhất là phải có nhiều lớp đào tạo về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để tôm Việt Nam chất lượng cao ra với thế giới không bị trả về. Đồng thời cũng cần nâng cao năng lực nhận thức cho người nuôi để giúp họ lựa chọn quy mô phù hợp với năng lực của mình để đầu tư”.