| Hotline: 0983.970.780

Giới thiệu, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả

Thứ Ba 20/08/2024 , 11:10 (GMT+7)

Nuôi tôm công nghệ cao đã có hiệu quả cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều tỉnh khác. Tuy nhiên, vẫn cần những chính sách tốt để phát triển loại hình nuôi này.

Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế để phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Trần Phi.

Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế để phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Trần Phi.

Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là có những lợi thế để phát triển nuôi tôm công nghệ cao. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh nằm ở Đông Nam Bộ, có lợi thế về khí hậu là nhiệt độ ổn định và ít mưa bão. So với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế hơn về khoảng cách địa lý khi xuất bán tôm oxy (tôm sống sau khi thu hoạch được cho thở oxy trong quá trình vận chuyển) ra các tỉnh phía Bắc trong những tháng mùa đông.

Nguồn nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu có sự ổn định về độ mặn. Vì vậy, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Minh Phú, C.P. Việt Nam … đã đầu tư vào hệ thống sản xuất giống và những cơ sở nuôi tôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với những lợi thế như vậy, nuôi tôm công nghệ cao ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều doanh nghiệp, trang trại, nhưng việc phát triển mô hình nuôi này đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất với nuôi tôm công nghệ cao là vốn, vì mô hình này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Để có được một trại nuôi tôm công nghệ cao trong hệ thống tuần hoàn khép kín trong nhà màng như của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, vốn bỏ ra phải từ 5 tỷ đồng.

Giá tôm không ổn định cũng đang khiến cho người nuôi tôm ngần ngại bỏ vốn đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Một trở ngại nữa nằm ở tâm lý của người nuôi tôm. Thời gian qua, nhiều người nuôi tôm không thành công, thậm chí thất bại, thua lỗ, phải cầm cố, thế chấp tài sản. Vì vậy, nói tới nuôi tôm, nhiều người đang có tâm lý hoang mang, lo ngại, không biết nếu tiếp tục đầu tư thì sẽ như thế nào. Do đó, dù thấy nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả, nhưng nhiều người nuôi tôm vẫn băn khoăn, chưa dám mạnh dạn đầu tư vào thực hiện mô hình này.

Chính quyền địa phương cần đánh giá cụ thể các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Trần Phi.

Chính quyền địa phương cần đánh giá cụ thể các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Trần Phi.

Trước tình hình đó, để nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Chuyên cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm, xem xét, đánh giá những mô hình nuôi tôm công nghệ cao mà các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã mạnh dạn đầu tư trên địa bàn. Từ đó, có những đánh giá cụ thể về những mô hình này như hướng đầu tư có đúng không, mang lại hiệu quả kinh tế ra sao, có bảo vệ được môi trường không, mức độ an toàn dịch bệnh như thế nào, chất lượng và an toàn thực phẩm ra sao …

Những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho nông dân và địa phương, không ảnh hưởng tới môi trường, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thì giới thiệu rộng rãi thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu …

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp ổn định đầu ra, giá cả cho con tôm Việt Nam để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có thể yên tâm đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, hộ nông dân, để người nuôi tôm an tâm, mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.

Ông Chuyên khẳng định, nuôi tôm công nghệ cao nếu được hỗ trợ tốt và có hướng đi đúng đắn sẽ góp phần quan trọng mang lại sự phát triển bền vững trong tương lai cho ngành tôm Việt Nam.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.