Để kiểm soát được chuột gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đã triển khai các mô hình quản lý chuột hại theo phương pháp quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM), nói không với dùng điện và đã đem lại hiệu quả vượt trội.
Quản lý chuột phá hoại mùa màng theo phương pháp IPHM
Để kiểm soát được chuột gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đã triển khai các mô hình quản lý chuột hại theo phương pháp quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) và đã đem lại hiệu quả vượt trội.
Chuột là loại động vật thông minh và có tập tính phá hoại mùa màng, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng của cây lúa. Ghi nhận tại huyện Kiến Thụy, hiều địa phương đã từng khốn đốn vì nạn chuột, có những nơi mất trắng hàng chục héc ta, người dân bất lực đành bỏ ruộng hoang làm việc khác.
Tại xã Đại Hà, địa phương có diện tích cấy lúa khá lớn, trung bình mỗi vụ lên tới tới 192 ha. Trước đây, khi chưa biết cách diệt chuột, mỗi vụ, toàn xã thường bị chuột phá hoại hàng chục ha, ảnh hưởng đến mùa màng. Đơn cử như năm 2023, cả xã mất tới 40 ha lúa, nhiều người gần như mất trắng.
Phỏng vấn ông Bùi Đình Khoán - Phó ban nông nghiệp xã Đại Hà:
“Nếu không đánh chuột thì chắc chắn không thể cấy được vì hiệu quả, lợi nhuận từ trồng lúa không cao. Nếu chuột phá hoại nữa thì chỉ có bỏ không. Ví dụ như vụ mùa năm 2023, cả xã mất trắng đến 40ha”
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Phòng, đến nay, toàn bộ diện tích trên địa bàn thành phố đã gieo cấy xong vụ lúa mùa với tổng diện tích hơn 25 nghìn ha và đang vào thời kỳ chăm sóc. Lúa đang trong đà phát triển và đẻ nhánh nên chuột đang phá hoại rất mạnh.
Trước thực tế trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đã triển khai thí điểm hai 2 mô hình quản lý chuột hại theo phương pháp quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) vụ xuân ở xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng và xã Chiến Thắng An Lão. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đã tổ chức các hội nghị đầu bờ để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, tổ đội diệt chuột, các lãnh đạo địa phương các biện pháp quản lý chuột bảo vệ sản xuất lúa vụ mùa và sản xuất trồng trọt.
Phỏng vấn ông Đỗ Văn Thắng – Phó Giám đốc Công ty dịch vụ môi trường BK:“Kiểm soát chuột thì chúng ta phải sử dụng nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là phương pháp hóa học và phương pháp đánh bắt thủ công. Biện pháp hóa học sẽ chiếm 70%, còn 30% bắt buộc phải sử dụng bẫy thủ công vì có giai đoạn chuột mài răng sẽ không ăn mồi bả”.
Phỏng vấn bà Vũ Thị Lan Hương, Phó chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng:
“Việc quản lý chuột là tổng hợp các biện pháp, từ làm cỏ hạn chế chỗ trú ngụ cho đến việc đánh đầu vụ, phương pháp rải thuốc. Khi lúa vào thời kỳ con gái, hấp dẫn chuột lúc đó phải đánh bẫy. Đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về diệt chuột theo các biện pháp mà Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn. Tuyệt đối không được sử dụng điện để bẫy, bắt chuột, vì phương pháp này rất nguy hiểm ”.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, UBND Thành phố Hải Phòng đã có văn bản gửi các địa phương về việc nghiêm cấm dùng điện dưới mọi hình thức để bẫy, bắt, diệt chuột trong sản xuất trồng trọt. Nếu địa phương nào để xảy ra chết người do sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột, Chủ tịch UBND các huyện, quận phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.