| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa quản lý chuột hại bằng biện pháp tổng hợp, cấm dùng điện bẫy chuột

Thứ Hai 12/08/2024 , 19:20 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Dù tình trạng chuột phá hại mùa màng diễn ra nhức nhối nhưng người dân cần sử dụng biện pháp phòng trừ hiệu quả, an toàn, tuyệt đối không dùng điện dưới mọi hình thức.

Tình trạng chuột phá hại mùa màng diễn ra nhức nhối ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tình trạng chuột phá hại mùa màng diễn ra nhức nhối ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, tại một số cánh đồng trồng lúa ở Hải Phòng, qua kiểm tra cho thấy một số tổ chức, cá nhân có hiện tượng dùng điện để bẫy, bắt, diệt chuột. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi và tính mạng con người.

Trên thực tế, hành vi này đã gây chết người, ví dụ như vụ việc tại xã Hồng Thái (huyện An Dương) hay sau đó là vụ việc xẩy ra tại thôn Phủ Niệm 2, xã Thái Sơn (huyện An Lão) khiến một người đàn ông đi thăm ruộng vấp phải dây điện bẫy chuột bị tử vong.

Trước tình trạng này, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản gửi các địa phương về việc nghiêm cấm dùng điện dưới mọi hình thức để bẫy, bắt, diệt chuột trong sản xuất trồng trọt. UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra các trường hợp sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột. Nếu địa phương nào để xảy ra chết người do sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột, Chủ tịch UBND các huyện, quận phải chịu trách nhiệm.

 Nhiều người dùng điện để diệt chuột rất nguy hiểm cho con người và vật nuôi. Ảnh: Đinh Mười.

 Nhiều người dùng điện để diệt chuột rất nguy hiểm cho con người và vật nuôi. Ảnh: Đinh Mười.

Riêng Sở NN-PTNT Hải Phòng được giao chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên điều tra, nắm bắt diễn biến tình hình chuột hại và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các biện pháp phòng, chống chuột hại, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống chuột hiệu quả

Trên cơ sở chỉ đạo này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đã triển khai thí điểm hai 2 mô hình quản lý chuột hại theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong vụ xuân ở xã Nam Hưng (huyện Tiên Lãng) và xã Chiến Thắng (huyện An Lão) và cho hiệu quả cao.

“Hai mô hình thí điểm đã đem lại hiệu quả vượt trội. Vừa qua chúng tôi đã quyết định tổ chức hội nghị để hướng dẫn người dân sử dụng biện pháp quản lý chuột hiệu quả nhất bằng cách rải thuốc vào đầu vụ và bẫy thủ công”, bà Vũ Thị Lan Hương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng thông tin.

Tại hội nghị đầu bờ đánh giá biện pháp quản lý chuột hại được tổ chức ở xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy) mới đây, các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, tổ đội diệt chuột, các lãnh đạo địa phương đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các biện pháp quản lý chuột, bảo vệ sản xuất lúa vụ mùa và sản xuất trồng trọt.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng hướng dẫn người dân các phương pháp bẫy chuột an toàn, hiệu quả ngay tại bờ ruộng. Ảnh: Đinh Mười.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng hướng dẫn người dân các phương pháp bẫy chuột an toàn, hiệu quả ngay tại bờ ruộng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Bùi Đình Khoán - Phó Ban nông nghiệp xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy) chia sẻ, địa phương có diện tích cấy lúa khá lớn, trung bình mỗi vụ lên tới 192ha. Trước đây khi chưa biết cách diệt chuột, mỗi vụ toàn xã thường bị chuột phá hại hàng chục ha, ảnh hưởng đến mùa màng. Đơn cử như năm 2023, cả xã mất tới 40ha lúa, nhiều hộ gần như mất trắng.

“Chuột bây giờ rất khôn, dùng nhiều cách nhưng không diệt được bao nhiêu, trước đây chúng tôi có thuê Công ty Thành Đạt về hỗ trợ áp dụng các biện pháp diệt chuột nhưng cũng không ăn thua. Hàng năm chúng tôi đều trăn trở tìm cách vì nếu không đánh chuột thì lúa sẽ bị phá hại và không thể thu hoạch được”, ông Bùi Đình Khoán băn khoăn.

Chia sẻ với người dân, ông Đỗ Văn Thắng – Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ môi trường BK cho biết, chuột là động vật thông minh và có tập tính phá hại mùa màng. Để bảo vệ mùa màng, kiểm soát được chuột gây hại cần sử dụng nhiều biện pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào biện pháp hóa học và biện pháp đánh bắt thủ công. Công ty đã sử dụng phương pháp này để triển khai diệt chuột, bảo vệ mùa màng cho 25 địa phương tại thành phố Hải Phòng, hiệu quả đạt tới 99%.

Hải Phòng sẽ nhân rộng các mô hình quản lý chuột hại theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng sẽ nhân rộng các mô hình quản lý chuột hại theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Ảnh: Đinh Mười.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, vụ mùa 2024, Thành phố gieo cấy hơn 25 nghìn ha và hiện lúa đang vào thời kỳ đẻ nhánh. 

Hiện lúa đang trong đà phát triển, đẻ nhánh và là thời điểm chuột phá hại rất mạnh. Hàng năm, UBND thành phố Hải Phòng đều hỗ trợ thuốc diệt chuột cho các địa phương, tuy nhiên việc quản lý và phòng chống chuột gây hại cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, để kiểm soát chuột gây hại, người dân tuyệt đối không dùng bằng điện mà cần thực hiện đúng 2 phương pháp đã được hướng dẫn là rải thuốc vào đầu vụ và bẫy thủ công. Đây là phương pháp diệt chuột hiệu quả, an toàn, có thể thay thế hoàn toàn phương pháp dùng điện gây nguy hiểm đến tính mạng con người và vật nuôi.

UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các biện pháp diệt chuột an toàn bằng biện pháp thủ công, biện pháp sử dụng thuốc để diệt chuột. Cùng với đó, khuyến khích người dân phát hiện và báo cáo các cơ quan chức năng đối với những hộ dùng điện bẫy, bắt, diệt chuột để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.