Sau 3 năm nghiên cứu, các chuyên gia thuộc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện VAAS) đã phục tráng thành công 2 giống lúa nếp đặc sản của tỉnh Lai Châu.
Nếp Tan Pỏm và nếp Khẩu Lương Phửng… 2 giống lúa bản địa nổi tiếng, được coi là hạt ngọc trời cho của đồng bào người Thái ở huyện Than Uyên và huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, nhiều giống lúa mới được đưa vào canh tác tại địa phương khiến các giống lúa trên không còn giữ được đặc tính di truyền ban đầu và có nguy cơ thoái hóa cao.
Trước thực trạng đó, từ năm 2022, các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện phục tráng và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho 2 giống lúa nói trên.
Đến nay, năng suất đã đạt từ 52-56 tạ/1ha, lợi nhuận đạt trên 50 triệu đồng/1ha.
Tên phóng sự: Hồi sinh “hạt ngọc trời cho” của người Thái
Năm nay, gia đình ông Tòng Văn Thom không còn canh tác các giống lúa phổ thông cho giá trị kinh tế thấp, mà chuyển hẳn sang trồng giống lúa nếp Tan Pỏm – giống lúa bản địa vừa được phục tráng thành công.
Trên diện tích ruộng 1ha, ông thu hoạch được hơn 50 tạ thóc. Sau khi trừ chi phí, ông ước tính thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Ông TÒNG VĂN THOM
Xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu
Trước đây tôi trồng lúa Bao Thai nhưng chất lượng không cao, kể cả Sắn Cù cũng không cao. Nhưng cái nếp Tan Pỏm này thì tôi thấy là chất lượng, hiệu quả là thơm, ngon, giá cả cao. 1ha cho hơn 5 tấn. Cán bộ hướng dẫn tốt, cụ thể. Bây giờ là chúng tôi muốn phát triển thêm càng lâu dài càng tốt, chúng tôi chỉ trông chờ vào lúa này thôi.
Tan Pỏm là giống lúa có lịch sử lâu đời, với đặc tính sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, bản lá to, cứng, hạt gạo tròn, ít bạc bụng, hương vị thơm ngon đặc trưng… nếp Tan Pỏm từng được ví như báu vật của đồng bào người dân tộc Thái ở huyện Than Uyên, Lai Châu.
Tuy nhiên, do tập quán canh tác manh mún của người dân địa phương, một thời gian dài giống lúa này được gieo trồng lẫn với các giống lúa khác, dẫn đến hiện tượng tạp giao, khiến giống bị thoái hóa.
Nhận thấy giá trị của giống lúa này, năm 2022, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm chuyển giao công nghệ và khuyến nông- Viện VAAS đã tiến hành điều tra thực trạng chọn giống, kỹ thuật canh tác, sơ chế, bảo quản, thương mại, đặc điểm nông, sinh học lúa Nếp Tan Pỏm tại tỉnh Lai Châu.
Sau khi nghiên cứu, kết hợp với gieo trồng thực tế, các chuyên gia đã xác định tổ hợp lai, thời vụ trồng và mật độ trồng đối với 2 giống lúa nếp. Hoàn thiện quy trình sản xuất, thâm canh, đến nay đã chọn lọc được giống lúa sinh trưởng phát triển tốt.
Phỏng vấn
Ông NGUYỄN XUÂN DŨNG
PGĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện VAAS
Năm 2024 là năm cuối cùng, chúng tôi đã phục tráng được dòng đời 2 để thành giống siêu nguyên chủng có chất lượng tốt, cung cấp lại cho bà con và chính quyền địa phương để phục vụ sản xuất. Ngoài ra chúng tôi cũng nghiên cứu quy trình kỹ thuật phù hợp với 2 giống này ở 2 địa phương.
Đến nay, đã có 60ha diện tích gieo cấy của bà con trên địa bàn xã Tà Hừa, huyện Than Uyên sử dụng giống lúa nếp Tan Pỏm vừa được phục tráng thành công.
Các chuyên gia cho biết, để giống lúa này có được vị thế tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhóm nghiên cứu đã và đang tổ chức nhiều hội nghị nhằm hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho địa phương và người dân. Hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng nhãn hiệu. Từ đó mở ra hướng đi mới cho việc phát triển các sản phẩm thương mại từ giống lúa trên.
Phỏng vấn
Ông NGUYỄN XUÂN DŨNG
PGĐ TT chuyển giao CN và KN – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Hiện nay, các địa phương đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và đang đợi chúng tôi hoàn thiện quy trình, trình cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận, từ đó nâng cấp sản phẩm lên 4 sao. Từ đó góp phần bảo vệ các sản phẩm này, đảm bảo đúng chất lượng, đúng giống và nguồn gốc địa phương sản xuất. Khi đưa ra thị trường thì giá bán cũng cao hơn.
Bên cạnh nếp Tan Pỏm, thì giống lúa nếp Khẩu Lương Phửng cũng là một đặc sản của tỉnh Lai Châu vừa được phục tráng thành công.
Năm 2024, năng xuất 2 giống lúa nếp Tan Pỏm và Khẩu Lương Phửng đạt từ 52,0 – 56,0 tạ/ha, cao hơn từ 1,0 đến 6,0 tạ/1ha so với trước đây. Lợi nhuận đạt hơn 50 triệu đồng/1ha.
Chiều cao cây trung bình 140-150 cm, không có tình trạng cây cao cây thấp, ít sâu bệnh.
Đồng bào dân tộc Thái ở địa phương rất phấn khởi khi 2 giống lúa nếp bản địa chứng minh được hiệu quả trên đồng ruộng.
Anh LÀNH VĂN NIÊN
Xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Giống lúa này tôi thấy năng xuất cao hơn trước, thu hoạch được nhiều hơn, bán cũng dễ hơn. Tôi thấy năng xuất năm nay cao. 6 Sào tôi tổng ra được hơn 20 bao. Mỗi bao bán được tầm 700 nghìn đồng.
Việc phục tráng thành công 2 giống lúa đặc sản, đã tạo cơ sở để chính quyền địa phương đưa ra nhiều chính sách nhằm phát triển thương hiệu, cùng các sản phẩm được chế biến từ 2 giống lúa trên, như xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và bao tiêu để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.
Ông ĐỖ NGỌC TÚ
Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu
Hiện tại trên địa bàn huyện, ngoài xã Tà Hừa được quy hoạch là 60ha, thì trên địa bàn huyện đã quy hoạch một số vùng có khí hậu thổ nhưỡng tương tự xã Tà Hừa như tại Mường Mít, Ta Ha, Tà Mông, để đảm bảo vùng nguyên liệu 300ha theo như yêu cầu của đơn vị bao tiêu đầu ra.
Ông NGUYỄN VĂN THỦY
Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Sau khi được cấp có thẩm quyền phục tráng lại giống lúa này thì đây là cơ sở để cho chính quyền và nhân dân chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, nâng cao được giá trị thương hiệu. Sau khi mà được cấp có thẩm quyền phê duyệt với nhãn hiệu thì chúng tôi mong muốn rằng là sẽ có các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh đến để liên kết với chúng tôi trong công tác chế biến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.
Có thể khẳng định rằng, việc phục tráng 2 giống lúa nếp Tan Pỏm và nếp Khẩu Lương Phửng đã góp phần đảm bảo được nguồn gen lúa chất lượng cao. Từng bước nâng cao đời sống cho người dân, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó để phát triển các sản phẩm từ 2 giống lúa trên rất cần có sự quan tâm tạo điều kiện của các ban ngành chức năng trong việc đăng ký thương hiệu, tìm kiếm thị trường đưa sản phẩm trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn của địa phương, có khả năng cạnh tranh lớn.