| Hotline: 0983.970.780

Chọn lọc, phục tráng đặc sản nếp vải Ôn Lương

Thứ Sáu 11/11/2022 , 08:55 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Huyện Phú Lương (Thái Nguyên) giao các đơn vị phối hợp với nông dân tiến hành chọn lọc, phục tráng nhằm duy trì những đặc điểm nguyên bản của giống lúa nếp vải đặc sản.

Được mùa được giá

Vụ mùa năm 2022, người trồng lúa nếp vải Ôn Lương được UBND huyện Phú Lương (Thái Nguyên) hỗ trợ về giống, phân bón với tỷ lệ nhà nước hỗ trợ 60%, còn người dân đối ứng 40%. Trong quá trình canh tác, người dân được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Phú Lương hướng dẫn tận tình về cách chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình. Cùng với đó, thời tiết năm nay rất ủng hộ, giúp cho vụ mùa của bà con được đánh giá là bội thu.

Chị Phương, hộ gia đình trồng 4 sào lúa nếp vải cho biết: Năm nay được mùa, mỗi sào đạt năng suất khoảng 2 tạ, tăng khoảng 20% so với năm trước. Bà con cũng không vất vả phơi phóng như mọi năm, gặt lúa lên bờ cho vào máy tuốt xong là có người chờ sẵn để mua thóc tươi với giá hơn 9.000đ/kg. Tuy nhiên bà con cũng không bán hết, mà giữ lại để ăn, làm quà biếu nữa.

1

Vụ mùa năm nay, bà con nông dân trồng lúa nếp vải Ôn Lương rất phấn khởi vì lúa được mùa, được giá. Ảnh: Đào Thanh.

Chị Ma Thị Thúy Lan, thành viên HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương thông tin, HTX liên kết với bà con trồng và tiêu thụ 40ha, năng suất năm nay đạt 55tạ/ha, tăng 10% so với năm trước. Giá thóc đã sấy khô khoảng 17.000đ/kg, còn gạo từ 28.000 – 30.000đ/kg, tùy theo khách hàng mua sỉ hay lẻ. So với năm trước, giá lúa nếp vải năm nay cũng tăng đáng kể từ 2.000 – 5.000đ/kg. Hiện HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương đã phân phối sản phẩm đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và trên toàn quốc. Ngoài ra, HTX cũng đưa sản phẩm giới thiệu lên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, tiếp cận được với đông đảo khách hàng có nhu cầu sử dụng.

Bảo tồn đặc sản địa phương

Giống lúa nếp vải đã có từ lâu đời, rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Đặc biệt, lúa nếp vải trồng ở vùng đất xã Ôn Lương cho chất lượng gạo nếp khác hẳn với địa phương khác trong huyện về độ thơm và dẻo. Mỗi năm, bà con chỉ trồng 1 vụ lúa nếp vải vào tháng 6 và thu hoạch vào tháng 10 âm lịch.

Những năm qua, do làm tốt công tác truyền thông, xây dựng thương hiệu nên sản phẩm nếp vải Ôn Lương ngày càng được nhiều người biết đến, khách hàng tin dùng. Diện tích trồng lúa nếp vải ở xã Ôn Lương cũng tăng lên theo từng năm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cụ thể, năm 2020, cả xã có 552 hộ dân trồng với diện tích là 62ha; năm 2021 là 563 hộ, diện tích 69ha; năm 2022 đã lên 571 hộ, diện tích là 76,6ha.

33dd5c72e1a527fb7eb4

Bà con đang thu hoạch lúa dưới ruộng, trên bờ đã có người chờ sẵn thu mua thóc. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Phan Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương thông tin: Sản phẩm từ lúa nếp vải Ôn Lương hiện nay rất được ưa chuộng trên thị trường và sử dụng để chế biến thành nhiều loại sản phẩm. Nhiều người thu mua đòng đòng vẫn còn mọng sữa để ngâm rượu với giá từ 80.000 – 90.000đ/kg; thóc non để làm cốm bán với giá 80.000đ/kg vào đầu vụ, cuối vụ khoảng 60.000đ/kg; gạo lúa nếp vải làm bánh chưng, bánh do, bánh dày, xôi… được đánh giá cao về chất lượng.

Cũng theo ông Ngọc, để nâng cao giá trị và ổn định sản xuất gạo nếp vải, UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện Phú Lương chủ trì, phối hợp với một số đơn vị chuyên môn và bà con nông dân tiến hành chọn lọc, phục tráng nhằm duy trì những đặc điểm nguyên bản của giống lúa nếp vải để làm giống. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật kỹ thuật chăm sóc lúa nếp vải, cách xử lý hạt giống, gieo mạ, cấy và bón phân…

Huyện Phú Lương cũng có định hướng tuyên truyền, vận động bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.