Thời gian gần đây, ngư dân làm nghề dùng vỏ ốc để bắt mực ở vùng biển Tây của tỉnh Cà Mau đang gặp khó khăn với nạn trộm cắp dụng cụ đánh bắt thủy sản.
Những chiếc vỏ ốc này được cột lại với nhau rồi thả xuống biển trở thành dụng cụ để bắt mực của ngư dân Cà Mau. Hơn 20 năm làm nghề này, anh Vũ Văn Đương ở xã Khánh Hưng A, huyện Trần Văn Thời phải sắp bỏ nghề vì liên tục bị trộm vỏ ốc trong quá trình khai thác trên biển.
Phát biểu Anh VŨ VĂN ĐƯƠNG - Xã Khánh Hưng A, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau:
"Mất dữ lắm, năm nào cũng mất, ra biển là bị mất, mới tháng 10 năm 2021 thì mất hơn 200 triệu tiền ốc. Toàn là tiền vay, mượn để đầu từ mà mất quá thì không ai cho mượn nữa."
Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 200 tàu biển làm nghề dùng vỏ ốc bẫy mực trên vùng biển Tây. Theo ngư dân, mỗi vỏ ốc được mua với giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/con và mỗi ghe khai thác phải đầu tư khoảng vài trăm triệu đồng tiền vỏ ốc. Vì liên tục mất trộm nhiều gia đình phải rơi vào cảnh nợ nần.
Bà NGUYỄN THỊ QUI - Xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau:
"Mất trộm nhiều quá mà tiền đầu tư thì lớn, còn nợ nhà nước 700 triệu tiền vay mà tới giờ chưa trả được. Cũng muốn tiếp tục làm nghề này mà nhà nước không bắt được bọn trộm thì không thể ra được."
Đại tá NGUYỄN VĂN NGỌC - Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau:
"Khó khăn hiện nay thì khi người dân mất trộm thì không trình báo với Đồn Biên phòng gần nhất mà phải vào bờ mới trình báo thì mất vài ngày nên gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy vết các đối tượng trộm cắp."
Nghề dùng vỏ ốc để khai thác mực đã phát triển ở Cà Mau khoảng 20 năm nay. Đây là nghề rất ít hủy hoại nguồn lợi thủy sản nên được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, với tình trạng trộm cắp hiện nay nếu không kịp thời xử lý thì rất khó để ngư dân tiếp tục bám trụ với nghề./.