Trồng dừa nước làm kè chống sạt lở tiết kiệm hơn nhiều lần so với kè bê tông, ngoài ra 'kè sinh thái' này còn giúp người dân tăng thu nhập từ việc thu hoạch trái cây.
Biến đổi khí hậu diễn ra hàng ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, đặc biệt là các vấn đề về nguồn nước và sạt lở bờ sông. Để ứng phó, từ năm 2018 đến nay, các huyện và thị xã ở Hậu Giang đã vận động người dân trồng hơn 700 km kè sinh thái bằng cây dừa nước, bần , tràm, cà na và dừa. Nhờ được người dân hưởn ứng, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Lê Văn Thụ, ấp 3, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang:"Trước đây, khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Sau khi trồng dừa nước, tình trạng đã được cải thiện đáng kể. Phía dưới tôi trồng dừa nước, còn phía trên trồng dừa để bán vừa giúp tăng thu nhập vừa bảo vệ bờ sông. Ngoài việc chống sạt lở, lá dừa còn có thể dùng làm nhà, trái dừa thì bán được.
Ông Lê Phước Nhỏ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp:Ngày trước, khi chưa làm kè, mỗi năm đất lở sâu khoảng 3 mét, tình trạng rất nghiêm trọng. Từ khi phát động xây dựng kè, tôi mua tràm về trồng dày kín, sau đó căng lưới cước và thuê máy xúc gia cố thêm. Nhờ vậy, bờ kè không chỉ được cải thiện mà đất bờ sông còn được mở rộng.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương mô hình kè sinh thái có chi phí thấp, dễ thực hiện và thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân, thể hiện tính xã hội hóa cao. Ngân sách hỗ trợ chủ yếu mang tính định hướng và khuyến khích triển khai. Đây là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế và môi trường bền vững.
Ông Lê Hoàng Ba, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết, việc xây dựng kè sinh thái giúp tiết kiệm chi phí đáng kể so với kè bê tông. Cụ thể, nếu làm kè bê tông phải tốn từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/mét, thì kè sinh thái chỉ mất khoảng 300.000 - 500.000 đồng/mét. Bên cạnh việc tiết kiệm, kè sinh thái còn mang lại lợi ích kinh tế khi người dân có thể thu hoạch trái dừa, bập dừa nước hoặc cà na để tăng thêm thu nhập.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Phụng Hiệp đã trồng được 28.406 mét kè sinh thái với tổng kinh phí đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng. Ngoài ra để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch hành động đến năm 2030, làm cơ sở cho các cấp, các ngành triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai phù hợp và hiệu quả.