| Hotline: 0983.970.780

Kè sinh thái chống sạt lở: Rẻ và đẹp

Thứ Sáu 04/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Kè sinh thái vừa giúp phòng, chống sạt lở bờ sông hiệu quả vừa tạo cảnh quan môi trường, tăng độ che phủ của cây xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều hộ dân ở ĐBSCL đã và đang chủ động làm 'kè sinh thái' bằng cách trồng cây xanh hai bên bờ sông, rạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều hộ dân ở ĐBSCL đã và đang chủ động làm 'kè sinh thái' bằng cách trồng cây xanh hai bên bờ sông, rạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vừa rẻ vừa đẹp

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang chủ động áp dụng nhiều giải pháp ít tốn kém, thay thế vật liệu cát, đá, xi măng và sắt thép… để bảo vệ an toàn các tuyến đê bao thủy lợi và tính mạng, tài sản của gia đình trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển bủa vây.

Từ đầu năm 2023, tỉnh Đồng Tháp đưa ra giải pháp trồng cây bần, cây tràm tại các bờ kênh, bờ sông, những nơi có nguy cơ sạt lở.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh triển khai trồng khoảng 120.000 cây bần, tràm ở hai bên bờ sông và kênh rạch. Đến năm 2025, tỉnh tổ chức đánh giá hiệu quả của giải pháp "kè sinh thái” trong phòng chống sạt lở.

Một số tuyến kênh được người dân trồng cây bần, tràm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số tuyến kênh được người dân trồng cây bần, tràm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số tuyến kênh ở thành phố Sa Đéc, huyện Châu Thành, Lai Vung và Thanh Bình… đã được người dân trồng cây bần, tràm từ vài năm trước, đến nay các tuyến kênh đó đã được bảo vệ an toàn. Đó là minh chứng cụ thể, đủ sức thuyết phục những người dân khác làm theo để phòng, chống sạt lở.

Ông Lê Quốc Điền nhận định, việc làm bờ kè bê tông sử dụng vật liệu cát, đá, xi măng, sắt thép… để chống sạt lở tốn kinh phí rất lớn, muốn đầu tư xây dựng phải chờ Trung ương hỗ trợ. Trong khi đó, địa phương cần một giải pháp bền vững, ít tốn kém mà mang lại hiệu quả để khuyến cáo người dân trồng, qua đó huy động được nguồn lực khổng lồ từ xã hội. Điều quan trọng nhất bây giờ là phải đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu được ý nghĩa, giá trị của kè sinh thái.

Tuyến kênh Ông Hộ ở xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc có nhiều điểm “nóng” sạt lở, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Do đó, khi chính quyền địa phương phát động trồng cây bần, tràm trước nhà để bảo vệ tuyến đường, bờ bao thì người dân rất đồng tình.

Ông Phạm Thành Hiếu, người dân xã Tân Quy Tây, cho biết: "Trước đây nhà tôi chưa trồng cây bần hay cây tràm nên sau 1 năm đã bị sạt lở mất hơn 1,5m đất, còn phía bên kia kênh, người ta có trồng cây hoặc nuôi lục bình. Nhiều năm qua họ giữ được đất và còn bồi thêm 1m đất trước nhà”.

Trong năm 2023, Đồng Tháp cho triển khai trồng khoảng 120.000 cây bần, tràm để làm kè sinh thái phòng, chống sạt lở. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong năm 2023, Đồng Tháp cho triển khai trồng khoảng 120.000 cây bần, tràm để làm kè sinh thái phòng, chống sạt lở. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ hiệu quả của kè sinh thái, nhiều địa phương khác trong tỉnh Đồng Tháp cũng đang khẩn trương trồng cây bần, tràm, cà na, cây nga, lục bình... Tại huyện Cao Lãnh, dự án trồng 38.000 cây bần, tràm được triển khai trong tháng 7 - 8/2023 nhằm bảo vệ bờ kênh. Huyện Lai Vung đã trồng 5.000 cây bần dọc các tuyến kênh, rạch có nguy cơ sạt lở.

Theo người dân, việc trồng cây bần, tràm không khó, nếu biết trồng đúng thời điểm và chăm sóc cây lúc nhỏ thì cây không chết. Nên trồng cây bần vào mùa khô, sang mùa nước lên cao cây đã bén rễ, dù nước có ngập thì cây cũng sống khỏe. Cây bần, tràm chỉ cần trồng và chăm sóc sau khoảng 3 năm là có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ đất.

Hậu Giang có hàng trăm km kè sinh thái

Còn tại Hậu Giang, địa phương có hệ thống sông, kênh, rạch dài gần 3.500km, thường xuyên xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2019, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã triển khai mô hình kè sinh thái bằng cây xanh để chống sạt lở bờ sông, kênh, mang lại lợi ích kinh tế và môi trường cho người dân.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang cho biết, mô hình kè sinh thái chống sạt lở bằng cây xanh đã được thực hiện thí điểm tại một số tuyến kênh cấp 1, cấp 2 với chiều dài hơn 2km. Đây là giải pháp có chi phí thấp, dễ làm, phòng sạt lở hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây hàng năm.

Huyện Lai Vung đã trồng 5.000 cây bần dọc các tuyến kênh, rạch có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Huyện Lai Vung đã trồng 5.000 cây bần dọc các tuyến kênh, rạch có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tính đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã có hàng trăm km kè sinh thái được thực hiện tại các tuyến sông, kênh, rạch. Mô hình rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để làm kè sinh thái, người dân cần gia cố một lớp hàng rào bằng cừ tràm, cây tre… cách bờ kênh từ 2 - 3m. Sau đó đắp đất dưới kênh vào phía trong, cao trình mặt đất thấp hơn cao trình đỉnh triều đầu mùa khô 0,1 - 0,2m, trồng cây tràm tại nơi tạo lớp đất đắp. Trồng tiếp hàng bần, cà na, dừa cách hàng cừ gia cố khoảng 1m. Sau 2 - 3 năm, khi tràm được thu hoạch cũng là lúc cây bần, cà na, dừa đã phát triển, bảo vệ mái kênh và chống sạt lở tốt.

Tại thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp), hàng trăm hộ dân đã hưởng ứng thực hiện mô hình kè sinh thái. Ông Nguyễn Trường Sanh, một người dân địa phương nói: Kè sinh thái dễ làm, chi phí thấp, vừa chống sạt lở vừa có cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan rất đẹp.

Nói về giải pháp ứng phó phòng chống sạt lở hai bên bờ sông, rạch ở ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định, trong bối cảnh thiếu phù sa và cát nghiêm trọng như hiện nay, thì tình hình sạt lở hai bên bờ sông, bờ biển ĐBSCL sẽ còn tiếp diễn trầm trọng hơn trong vài chục năm tới.

Biện pháp công trình xây kè cứng sử dụng vật liệu cát, đá, sắt thép, xi măng… để phòng chống sạt lở có ưu điểm là có tác dụng nhanh, có thể bảo vệ được một số nơi trong một thời gian. Tuy nhiên, ở góc độ môi trường và hiệu quả kinh tế, biện pháp này có hàng loạt nhược điểm.

Thứ nhất, biện pháp công trình này rất đắt đỏ về kinh phí đầu tư. Chúng ta sẽ không bao giờ đủ tiền để mãi chạy theo tình hình sạt lở bằng biện pháp công trình. Thứ hai, can thiệp ở một nơi sẽ gây sạt lở nơi khác vì dòng sông sẽ tìm kiếm sự cân bằng động lực. Thứ ba, sạt lở là vì thiếu hụt cát, mà nếu càng làm công trình thì càng gây thiếu cát, tạo thành vòng luẩn quẩn. Thứ tư, công trình nào cũng có tuổi thọ, không có công trình nào là vĩnh cửu.

Còn về biện pháp mềm như trồng bần ven sông có thể gây bồi đất, bảo vệ được bờ sông. Lợi thế của biện pháp này là chi phí thấp, phù hợp sinh thái, tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh phát triển. Tuy nhiên đó là câu chuyện ngày trước, khi phù sa còn nhiều. Trong bối cảnh hiện nay thì trồng bần gây bồi cũng chỉ khả thi ở những nơi đang ít sạt lở. Tại những điểm sạt lở mạnh thì biện pháp này không còn khả thi nữa.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.