Việc bảo vệ và phát triển đàn voi không chỉ là bảo tồn một loài động vật, mà còn là bảo vệ một phần quan trọng trong hệ sinh thái rừng, góp phần giữ gìn sự cân bằng thiên nhiên.
Voi châu Á – loài "chỉ thị" quan trọng trong hệ sinh thái rừng – đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam. Từ những năm 1980, khi quần thể voi ở Việt Nam đạt khoảng 2.000 cá thể, số lượng voi hiện nay chỉ còn dưới 200 cá thể hoang dã. Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà còn đe dọa đến sự cân bằng sinh thái và đời sống văn hóa, tâm linh của người dân.Để bảo vệ loài voi quý giá, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chương trình hành động cấp Bộ và ba kế hoạch, đề án cấp Chính phủ. Được ví là xứ sở voi, có nhiều đàn voi nhà và quần thể voi rừng, Đắk Lắk là địa phương tiêu biểu trong công tác bảo tồn voi. Tại đây, voi không còn phải phục vụ con người, được tự do dạo chơi trong môi trường tự nhiên, tái hòa nhập với tập tính hoang dã của mình nhưng vẫn gắn kết với mô hình du lịch thân thiện.
Phỏng vấn Ông NGUYỄN CÔNG CHUNG, PGĐ Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk :"Chúng tôi đang thực hiện mô hình chuyển đổi để voi không còn bị cưỡi lên lưng, phục vụ du lịch. Từ 2023, với sự hỗ trợ của Tổ chức Động vật Châu Á, giúp voi sống tự do hơn, gần gũi hơn với bản năng tự nhiên của mình…."Tương tự như Đắk Lắk, Đồng Nai – nơi có quần thể voi lớn thứ hai của Việt Nam cũng đang triển khai các dự án bảo tồn voi. Tỉnh này đã xây dựng hàng rào điện dài 75km trong khuôn khổ dự án bảo tồn voi giai đoạn 2014-2020, nhằm ngăn chặn voi phá hoại mùa màng và giảm thiểu xung đột giữa người dân và voi.
Phỏng vấn Ông CỔ TẤN HUY, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai:"Chúng tôi đã thực hiện 8 giải pháp bảo tồn, trong đó bao gồm việc cung cấp nước, muối khoáng và thức ăn cho voi. Những giải pháp này giúp duy trì sự sống của voi và tránh xung đột khi chúng phá hoại mùa màng của người dân."Mới đây nhất, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với tổ chức Humane Society International (HSI) công bố Kế hoạch Hành động Bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 hay còn gọi là VECAP2022. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ loài voi, tích hợp các sáng kiến thí điểm, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và phát triển chính sách để bảo vệ và phát triển bền vững loài voi trong những thập kỷ tới.
VECAP 2022 đề ra 33 nhóm giải pháp dành cho voi hoang dã và 21 nhóm hành động dành cho voi nuôi nhốt, nhằm bảo tồn và tăng số lượng voi tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và cộng đồng con người.
Các mục tiêu dài hạn bao gồm mở rộng hệ thống khu bảo tồn, tăng cường các biện pháp chống săn bắt và phát triển du lịch sinh thái, vừa hỗ trợ công tác bảo tồn vừa thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch.
PV Ông ĐOÀN HOÀI NAM – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT" VECAP 2022…”Với những nỗ lực liên tục và các kế hoạch bảo tồn cụ thể, tương lai của loài voi tại Việt Nam đang sáng lên hy vọng. Việc bảo vệ và phát triển đàn voi không chỉ là bảo tồn một loài động vật, mà còn là bảo vệ một phần quan trọng trong hệ sinh thái rừng, góp phần giữ gìn sự cân bằng thiên nhiên.