| Hotline: 0983.970.780

Tăng số đàn voi, hiện thực hóa nỗ lực tưởng chừng 'bất khả thi'

Thứ Tư 20/11/2024 , 20:05 (GMT+7)

Bảo tồn voi có nhiều ý nghĩa, trong đó có việc duy trì tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và ổn định cuộc sống cho người dân vùng lân cận.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: 'Voi được xem là chỉ dấu của hệ sinh thái rừng'. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: "Voi được xem là chỉ dấu của hệ sinh thái rừng". Ảnh: Bảo Thắng.

Chiều 20/11, Bộ NN-PTNT công bố Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (VECAP 2022). Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp và tổ chức Humane Society International (HSI) từ năm 2019.

VECAP 2022 đề ra 33 nhóm giải pháp dành cho voi hoang dã và 21 nhóm hành động dành cho voi nuôi nhốt, nhằm bảo tồn và tăng số lượng voi tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và cộng đồng con người.

Các mục tiêu dài hạn bao gồm mở rộng hệ thống khu bảo tồn, tăng cường các biện pháp chống săn bắt và phát triển du lịch sinh thái, vừa hỗ trợ công tác bảo tồn vừa thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, có 4 mục tiêu cụ thể đối với voi hoang dã. Đó là: Bảo tồn và phục hồi quần thể voi, giảm các mối đe dọa, hoàn thiện khung pháp lý; Đảm bảo và cải thiện môi trường sống qua việc duy trì, nâng cao chất lượng các vùng sinh cảnh, ngăn chặn xâm hại, chia cắt vùng sống của voi; Quản lý hiệu quả xung đột giữa voi và người trên cơ sở cải thiện sinh kế cho cộng đồng liên quan; Nâng cao năng lực và cơ chế hợp tác bảo tồn voi.

Với voi nuôi nhốt, kế hoạch đặt ra 3 mục tiêu. Ngoài việc tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần và phát triển sinh cảnh phù hợp, tăng cường năng lực cho chủ voi, kế hoạch sẽ phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, chăm sóc sức khỏe, sinh sản cho voi nuôi nhốt.

Cùng với đó, đảm bảo cơ hội sinh sản cho các cá thể voi nuôi nhốt, tăng nguồn giống sinh sản hợp pháp, phát triển quần thể bền vững.

Lễ công bố kế hoạch bảo tồn voi thu hút sự quan tâm của đông đảo tổ chức quốc tế và các địa phương. Ảnh: Bảo Thắng.

Lễ công bố kế hoạch bảo tồn voi thu hút sự quan tâm của đông đảo tổ chức quốc tế và các địa phương. Ảnh: Bảo Thắng.

Sinh sản voi nuôi nhốt (voi nhà) từ lâu được coi là nhiệm vụ bất khả thi. Trong chuyến đi thực tế tại các tỉnh có nhiều voi như Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An... các kiểm lâm viên đã nêu thực tế rằng, voi nhà gần như không thể tiếp cận với voi hoang dã vì chúng có "mùi người". Có lẽ, các thế hệ voi hoang dã đã "kể cho nhau nghe" về chuyện voi nhà đi bắt voi rừng trước đây, nên giờ chúng xua đuổi. 

Lựa chọn khả dĩ nhất của các nhà bảo tồn voi là cho voi nhà phối giống với nhau. Tuy nhiên, loài voi có tập tính sinh hoạt theo thứ bậc rõ ràng, theo kiểu "cô không thể sinh sản với cháu". Một vài trường hợp hãn hữu, voi mẹ thụ thai được nhưng do già yếu, cộng thêm thời gian mang thai kéo dài tới 2 năm, nên có rất ít voi con được sinh trong môi trường nuôi nhốt.

Trước tình hình này, bà Cindy Dent, Phó chủ tịch Văn phòng các quốc gia của HSI hy vọng, kế hoạch bảo tồn voi vừa ban hành sẽ đặt những dấu mốc mới trong sứ mệnh bảo vệ voi nguy cấp.

"Bằng cách kết hợp các nghiên cứu khoa học với các chiến lược do cộng đồng đề xuất, chúng tôi có thể đề xuất các giải pháp bền vững có lợi cho cả voi và người dân địa phương", bà chia sẻ và thông tin thêm, rằng các sáng kiến thời gian tới sẽ tập trung làm sáng tỏ hành vi, xu hướng di chuyển và sở thích của voi.

HSI cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Bộ NN-PTNT, đồng thời cam kết hỗ trợ thực hiện VECAP 2022, hướng tới chung sống hài hòa giữa voi hoang dã và con người tại Việt Nam.

Trước mắt, Tiểu ban Bảo tồn Loài của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã hỗ trợ 2 tài liệu hướng dẫn về bảo tồn loài thú khổng lồ. Đại diện IUCN cũng cho rằng, với nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, những cá thể voi nuôi nhốt sẽ được xác định tuổi cụ thể, từ đó được đảm bảo thói quen sinh hoạt và tiến tới khả năng sinh sản. 

Đàn voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tùng Đinh.

Đàn voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ số lượng 2.000 vào những năm 1980, quần thể voi châu Á tại Việt Nam đã suy giảm xuống mức báo động dưới 200. Trước tình hình này, trong các năm 1996, 2006, 2012, 2013 và 2022, Việt Nam đã ban hành 1 chương trình hành động cấp Bộ và 3 kế hoạch, đề án cấp Chính phủ để bảo tồn voi.

Đặc biệt vào năm 2019, chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa được triển khai tại tỉnh Đồng Nai, với 3 sáng kiến “Giám sát voi bằng bẫy ảnh”, “Giám sát xung đột voi người” và “Quản lý vùng sống và sinh cảnh của voi”.

Phương pháp tiếp cận khoa học của những sáng kiến này giúp xác định chính xác 27 cá thể, với cấu trúc đàn rõ ràng, cho phép hiểu hơn về xu hướng di chuyển của đàn và mức độ, tần suất hay nguyên nhân của xung đột voi người.

Coi loài vật trên cạn có khối lượng lớn nhất là "chỉ thị quan trọng" của hệ sinh thái rừng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị nhìn nhận, sự tồn tại của voi là điều kiện thiết yếu để bảo vệ đa dạng sinh học và các loài khác cùng tồn tại.

Chia sẻ thêm về kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, quá trình xây dựng kế hoạch được thực hiện qua 10 bước, bao gồm lựa chọn giải pháp phù hợp, rà soát tình trạng bảo tồn, xây dựng mục tiêu, và xác định các hành động cụ thể cho từng tỉnh.

Danh mục hoạt động sau khi được lựa chọn đã trải qua quy trình tham vấn kỹ thuật và ý kiến đóng góp từ nhiều bên liên quan, bao gồm các nhà quản lý, cơ quan thực thi, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng cộng đồng dân cư tại các khu vực có voi.

Trong tự nhiên, voi cần không gian sống rộng lớn, có thể lên tới 10 - 20km. Ảnh: Y Siêm.

Trong tự nhiên, voi cần không gian sống rộng lớn, có thể lên tới 10 - 20km. Ảnh: Y Siêm.

"Bảo tồn voi có nhiều ý nghĩa. Đó vừa là thể hiện của tính đa dạng sinh học, vừa là ẩn dụ cho sức mạnh của người Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói. Ông cũng cam kết triển khai kế hoạch bảo tồn một cách đồng bộ, hiệu quả tới 5 địa phương có số lượng voi lớn trên cả nước, đồng thời nêu cao tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, đã thực hiện là có hiệu quả”.

Thông qua hoạt động bảo tồn voi, ông hy vọng các loài nguy cấp khác trong hệ sinh thái rừng cũng được bảo vệ.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy sự tham gia của nhóm cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn voi, cũng như xây dựng và thực hiện các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, như giám sát voi bằng bẫy ảnh, giám sát xung đột voi - người, khảo sát vùng phân bố của voi dưới dạng ô lưới, các nguyên tắc an toàn khi gặp voi...

Thực hiện lồng ghép các nội dung voi vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững. Phối hợp địa phương tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn voi.

Thứ trưởng cũng kêu gọi sự đồng hành của địa phương, đồng thời nhắn nhủ với các tỉnh có voi, rằng tất cả không phải đang thực hiện kế hoạch của Bộ NN-PTNT, mà là đang hành động vì chính tương lai của địa phương. 

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.