Cùng hành động để bảo tồn voi. Thịt dê, cừu Mông Cổ chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhân rộng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Kiên Giang. Giá nhiều loại thủy sản liên tục tăng.
Chiều nay 20/11, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tổ chức Humane Society International (HSI) chính thức công bố Kế hoạch Hành động Bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050.
Chia sẻ tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định, chung sống hài hòa với thiên nhiên và muôn loài là mục tiêu chung của cộng đồng toàn cầu và khi áp dụng cho loài voi châu Á tại Việt Nam, mục tiêu này càng trở nên cấp bách. Chúng ta phải hành động để bảo vệ loài voi khỏi nguy cơ tuyệt chủng và học cách sống hòa hợp với chúng, nhằm ngăn chặn những xung đột giữa con người và loài vật này.
Từ số lượng 2000 cá thể voi được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước, quần thể voi châu Á tại Việt Nam đã suy giảm xuống mức báo động dưới 200 cá thể voi hoang dã. Với vai trò là loài chỉ thị quan trọng trong hệ sinh thái rừng, sự tồn tại của voi là điều kiện thiết yếu để bảo vệ đa dạng sinh học và các loài khác cùng tồn tại. Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động cấp Bộ và 3 Kế hoạch, Đề án cấp Chính phủ để bảo tồn voi.
Kế hoạch Hành động Bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 đề ra 33 nhóm giải pháp dành cho voi hoang dã và 21 nhóm giải pháp dành cho voi nuôi nhốt, nhằm bảo tồn và phát triển số lượng voi tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và con người.
Tin 2:
THỊT DÊ, CỪU MÔNG CỔ CHÍNH THỨC CÓ MẶT TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Thanh Thủy thực hiện
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ, sáng nay, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn Xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam - Mông Cổ.
Việt Nam và Mông Cổ đều có những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới, thủy sản… Trong khi đó, Mông Cổ nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước không chỉ có thể hỗ trợ lẫn nhau, mà còn khai thác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu. Nhân dịp này, thịt dê, cừu Mông Cổ cũng được mang đến phục vụ người dân Thủ đô.
Diễn đàn là cầu nối quan trọng đề các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin, và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ngoài ra, thông qua sự kiện này, chính phủ hai nước sẽ chia sẻ các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả hơn.
Mông Cổ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ chọn để đặt nền móng cho mối quan hệ ngoại giao. Những bước đi tiên phong này đã tạo ra nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển trong suốt bảy thập kỷ qua.
Tin 3
NHÂN RỘNG ĐỀ ÁN 1 TRIỆU HA LÚA CHẤT LƯỢNG CAO TẠI KIÊN GIANG
Trung Chánh sản xuất
Sáng 20/11, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với Viên Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền thực hiện “Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Trước khi vào hội nghị, các địa biểu đã tham quan trình diễn ứng dụng cơ giới hóa gieo sạ lúa vụ đông xuân 2024-2025 thực hiện mô hình thí điểm thuộc Đề án 1 triệu ha, tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang). Đây là vụ thứ 2 liên tiếp được thực hiện trong mô hình thí điểm này.
Theo đánh giá từ Chuyên gia khoa học của IRRI, kết quả thực hiện mô hình thí điểm vụ lúa thu đông 2024 tại đây đã mang lại những kết qua rất tích cực. Giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới… nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng. Năng suất lúa tăng thêm khoảng 10% nhưng lợi nhuận cao hơn gần 40%, tương đương 8 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Lượng phát thải khí CO2 giảm hơn 50% , ở mức 6 tấn/ha/vụ so với mức 13-14 tấn/ha.
Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân áp dụng các quy trình canh tác lúa chất lượng cao vào sản xuất, đầu tư thiết bị cơ giới hóa đáp ứng đủ nhu cầu khi trển khai diện tích lớn. Tại tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai 12 mô hình thí, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn các huyện, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 200.000ha điểm tham gia Đề án 1 triệu ha.
Tin 4
GIÁ NHIỀU LOẠI THỦY SẢN LIÊN TỤC TĂNG
Quỳnh Anh khai thác
Từ đầu tháng 11 đến nay, nông dân nuôi thủy sản ở vùng ven biển tỉnh Trà Vinh phấn khởi nhờ giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu, vọp, sò huyết liên tục tăng.
Các loại nhuyễn thể tại đại lý thu mua vào hiện nay đã tăng bình quân ở mức 5.000 - 10.000 đồng/kg. Riêng cua thịt, cua gạch đạt kích cỡ loại 1 có giá 450.000 đồng/kg, cua loại 2 có giá 250.000 đồng/kg, tăng bình quân 50.000 đồng/kg so với tuần trước.