Nghệ An sở hữu tổng đàn gia súc gia cầm lớn nhưng công tác kiểm soát dịch bệnh còn nhiều bất cập, nhất thiết phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
MC dẫn trường quay: Dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành chăn nuôi Nghệ An vẫn đạt được những con số khá ấn tượng, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 5,7%, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần tăng khá, ước đạt 48%.
Ngành chăn nuôi Nghệ An có được kết quả trên là nhờ sở hữu tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, số lượng đàn vật nuôi càng lớn kéo theo nguy cơ dịch bệnh càng gia tăng, nhất là khi chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Phỏng vấn ông Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An: "“Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển chăn nuôi lớn, có tổng đàn trâu bò trên 800.000 con, đàn lợn trên 1 triệu con, đàn gia cầm trên 36 triệu con. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều Tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như Masan, TH, Vinamilk, nhờ đó hình thành 987 trang trại. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng quy mô nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, từ 65 – 70%..."
Nghệ An sở hữu đàn bò sữa chất lượng cao. Ảnh: Việt Khánh.
MC: Hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vốn không đảm bảo các yếu tố an toàn cần thiết được xem là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh thú y trên địa bàn Nghệ An thời gian qua, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi.
Bên cạnh tâm lý chủ quan của người nuôi thì mức giá vacxin đầu vào khá cao chính là một rào cản trong nhiệm vụ bảo vệ đàn vật nuôi an toàn trước dịch bệnh. Hiện những huyện có tổng đàn gia súc lớn như Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn đang rất lo lắng về nội dung này.
Phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Yên Thành: "Trên địa bàn huyện Yên Thành có 12 xã bị dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên số lợn lượng nhiễm bệnh bị tiêu hủy không nhiều, cơ bản chỉ xuất hiện tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, quy mô chỉ 1 – 2 con/ hộ, còn các trang trại lớn thì cơ bản không xảy ra.
Hiện nay đã có vacxin phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thịt, tuy nhiên mức giá khá cao, trên 60.000 đồng/ liều, vì vậy gây ra khó khăn cho bà con nông dân trong công tác tiêm phòng. Chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Yên Thành, Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ một phần giá vacxin để giúp người nuôi bảo vệ đàn lợn của mình”.
MC: Ghi nhận đến cuối tháng 10/2024 toàn tỉnh Nghệ An xảy ra tổng cộng 58 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày tại 15 huyện, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 4.797 con lợn. Đành rằng dịch chủ yếu xuất hiện trong phạm vi nông hộ nhưng các trang trại cũng phải nêu cao cảnh giác, chủ động phương án ngay từ đầu nếu không muốn nếm trái đắng.
Hợp tác xã Minh Lợi là đơn vị tiên phong áp dụng quy trình nuôi lợn bằng phương pháp thảo dược, đến nay đã tạo dựng được chuỗi liên kết với quy mô hàng ngàn con. Ý thức được mối nguy tiềm tàng của dịch tả lợn Châu Phi, thời gian qua trang trại đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng chống, cùng lúc tiêm phòng vacxin, phun trừ chuồng trại, tiêu độc khử trùng cũng như hạn chế tối đa việc ra vào nếu không cần thiết.
Phỏng vấn ông Trần Khắc Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Lợi: "Hiện tại dịch bệnh chăn nuôi thú y đang rất cam go, trong đó dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại nhiều xã của huyện Yên Thanh. HTX Minh Lợi luôn đề phòng, cảnh giác, không cho người lạ vào trang trại để ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, đảm bảo sức khỏe cho đàn lợn”.
MC: Cơ quan chuyên ngành cảnh báo các loại dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng hay viêm da nổi cục. Để tránh thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, đồng thời xóa bỏ tâm lý âu lo của các chủ thể trực tiếp tham gia đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải bám vào chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT để xây dựng kế hoạch bài bản, dài hơi nhằm tháo gỡ những thút thắt dai dẳng.
Phỏng vấn ông Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An: “Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều Đề án phát triển công nghiệp, giống, vật nuôi, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ giết mổ, chế biến. Chính phủ cũng ban hành Quyết định 889 về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiến tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nghệ An đã đăng kí xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi bò sữa đối với bệnh lở mồm long móng tại huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa”.
MC: Thời gian qua, các cơ quan của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan tỉnh Nghệ An để nắm bắt tình hình, qua đó có chỉ đạo kịp thời nhằm từng bước tháo gỡ tồn tại, vướng mắc.
Phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Chi cục Thú y vùng 3: "Vùng Bắc Trung Bộ có tổng đàn chăn nuôi lớn, đặc biệt là chăn nuôi trâu bò lớn nhất cả nước, riêng tỉnh Nghệ An tổng đàn trâu bò chiếm 1/10 cả nước. Xu thế chung trên thế giới là xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu theo quy định của các Tổ chức thú y trên thế giới.
Vừa qua Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí biên bản ghi nhớ về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu trâu bò sang thị trường Trung Quốc. Đây là dấu mốc rất quan trọng để mở ra cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi”.
MC dẫn trường quay: Kính thưa quý vị!
Chủ trương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vùng chăn nuôi bò sữa công nghệ cao để phục vụ xuất khẩu. Nếu Nghệ An áp dụng thành công sẽ là bước đột phá lớn cho tỉnh này và toàn vùng Bắc Trung Bộ.
Phóng sự của Báo Nông nghiệp Việt Nam xin được khép lại tại đây, cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình sau.