Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước vừa tổ chức hội nghị xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Tổng đàn tăng nhanh
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Phước, trong thời gian qua, chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghệ cao và khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Các chuỗi liên kết sản phẩm đã và đang đi vào hoạt động có chiều sâu.
Đáng chú ý, hầu hết các công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh, đều xuất ra ngoài tỉnh để tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu nên rất quan tâm và hưởng ứng chủ trương xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB.
Hiện, toàn tỉnh có 2,05 triệu con lợn, tăng 10,57% so với cùng kỳ, trong đó, có 423 trang trại quy mô lớn, chiếm trên 85% trên tổng đàn lợn. Tổng đàn gia cầm hiện có trên 10,2 triệu con, tăng 9,33% so với cùng kỳ, trong đó, có 88 trang trại chiếm trên 72% trên tổng đàn.
Bình Phước đã có 3 nhà máy ấp trứng gia cầm với công suất 11,5 triệu con gà/tháng, 4 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và 02 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm với công suất trên 120 triệu con gà/năm.
Bình Phước đã và đang xây dựng 3 chuỗi sản xuất khép kín, an toàn dịch bệnh gồm: Chuỗi sản xuất thịt
gà khép kín, an toàn dịch bệnh để xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food đã triển khai đi vào hoạt động từ năm 2019; Chuỗi sản xuất thịt gà của công ty De Heus với 7 trại chăn nuôi gà với quy mô 1 triệu con/lứa; Chuỗi sản xuất an toàn của công ty Japfa dần hình thành.
Đại diện công ty Japfa cho biết, ngoài Bình Dương, ngay từ rất sớm công ty đã bắt tay liên kết chăn nuôi gà gia công tại Bình Phước. Nhận thấy, Bình Phước có quỹ đất rộng, mật độ chăn nuôi chưa cao, đặc biệt địa phương này rất quan tâm thực hiện triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo chuẩn OIE, mới đây công ty tiếp tục đầu tư và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ hiện đại nhất tại Bình Phước với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.
Công ty cũng đang hoàn thiện chuỗi cung ứng Feed - Farm - Food không chỉ phục vụ thị trường trong nước tiến tới xuất khẩu sang thị trường thế giới trong đó có thị trường Trung Đông.
“Bình Phước tiếp tục thu hút đầu tư các dự án phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn các vị trí đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh để tiến hành xây dựng vùng, chuỗi sản xuất thịt gà, thịt lợn để xuất khẩu”, ông Lê Ngọc Văn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Phước chia sẻ.
Sớm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết thêm, thời gian qua, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được Bộ NN - PTNT, Cục Thú y, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước quan tâm chỉ đạo sâu sát.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và xây dựng vùng, cơ sở ATDB động vật, chuỗi sản xuất ATDB để xuất khẩu trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm. Đối với vùng chăn nuôi gia súc ATDB đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển đang triển khai tại 2 huyện (Chơn Thành, Hớn Quản).
Đặc biệt, Bình Phước đã có sản phẩm gia cầm của Công ty TNHH CPV Food xuất khẩu sang Nhật Bản, doanh nghiệp này tổ chức chăn nuôi tại 6 huyện thị.
Hiện các huyện thị này đã tiệm cận vùng ATDB theo chuẩn quốc tế. Bình Phước đặt mục tiêu là tỉnh đầu tiên trên cả nước có vùng ATDB theo quy định WOAH/OIE. Đến năm 2030 sẽ có 06/11 huyện ATDB theo quy định WOAH/OIE.
“Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Phước đề nghị Cục Thú y, Bộ NN - PTNT quan tâm, hỗ trợ và có ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh và kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam và OIE; hướng dẫn cụ thể xây dựng vùng an toàn dịch bệnh liên huyện, liên tỉnh. Đồng thời có quy định, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa các huyện trong tỉnh, giữa vùng ATDB và không ATDB đảm bảo thực thi kiểm soát an toàn, truy xuất nguồn gốc”, ông Trần Văn Phương nhấn mạnh.