| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam không có nhiều công cụ, sức mạnh để đàm phán

Thứ Sáu 30/06/2017 , 13:10 (GMT+7)

Trước việc con bò Úc đang “húc tung” người Việt gây ra sự thua thiệt rất lớn, NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi về vấn đề này…

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Lịch sử của việc nhập bò Úc thế nào thưa ông?

Việt Nam bắt đầu nhập bò Úc từ năm 2010 với số lượng hơn 1.000 con. Lúc đầu ta không có ý định nhập bò thịt mà là bò giống nhưng do chênh lệch giá quá lớn giữa Úc và VN, mỗi kg bò hơi khi đó chưa đến 2 USD (giờ đã là gần 3 USD) trong khi giá thịt ở trong nước lại quá cao nên các doanh doanh nghiệp mới đẩy mạnh nhập. Ở thời điểm đó, Úc có hơn 29 triệu con bò, mỗi năm đang xuất khẩu hơn 1 triệu con. Đỉnh cao của việc nhập bò Úc là năm 2015 với số lượng trên 360.000 con.

Sang năm 2016 bởi Indonesia, Qatar và Kuwait nhập nhiều, cạnh tranh với Việt Nam, đàn bò Úc lại giảm từ 29 triệu con xuống 27 triệu con vì nạn hạn hán nên giá nhập đắt. Hơn thế, giá bò thịt ở trong nước lại giảm do hệ lụy của khủng khoảng giá lợn giảm nên gây khó khăn cho doanh nghiệp, Việt Nam chỉ nhập trên 196.000 con bò từ Úc. Xu thế năm nay Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các nước nhập trên về nguồn hàng trong khi đó số lượng bò của Úc vẫn chưa được phục hồi nên giá nhập về vẫn còn cao.

Tại sao chúng ta lại chọn nhập bò từ Úc?

Đó là do hiệp định về thương mại, tôi cho ông xuất khẩu vào cái này thì ông phải mở cửa để nhập cái kia của tôi. Khi ký bất kỳ hiệp định tự do thương mại nào Chính phủ đều phải cân nhắc, về tổng thể phải được lợi cho quốc gia mới ký.

Việt Nam nhập bò từ Úc bởi thứ nhất là do tự do thương mại. Thứ nữa bởi Úc có số lượng bò thịt rất lớn trên 29 triệu con. Cuối cùng là bởi khoảng cách từ Úc về Việt Nam khá gần, thuận tiện cho việc vận chuyển.

Có nước nào nhập bò sống như ta không thưa ông?

Nhập bò sống để làm giống phổ biến khắp thế giới nhưng các nước phát triển ngày nay đã chuyển sang nhập vật liệu di truyền như tinh, phôi vì an toàn hơn còn ta vẫn phải nhập bò giống bởi công nghệ về lĩnh vực này yếu. Có trên 30 nước nhập bò sống của Úc năm 2016 để làm thực phẩm đều là các nước có sở thích, có văn hóa ưa ăn thịt tươi, thịt nóng như Việt Nam, Indonesia, Qatar, Kuwait, Trung Quốc... Hiện Úc xuất khẩu bò cho khoảng 32 quốc gia trong đó Việt Nam đứng thứ 4 về số lượng.

Xu hướng của việc nhập bò từ Úc sắp tới sẽ ra sao? Chúng ta tập trung vào nhập bò sinh sản hay bò tơ vỗ béo?

Phải siết chặt quy định nhập, xu hướng là chỉ nhập bò giống, bò sinh sản để chủ động cải tiến nguồn gen trong nước còn dần phải hạn chế nhập nguyên con về giết thịt thậm chí là để vỗ béo vì rủi ro dịch bệnh, môi trường, thương mại. Tất nhiên không thể cấm được việc nhập bò thịt vì chúng ta đã ký các hiệp định thương mại rồi nên phải lập ra các hàng rào kỹ thuật theo thông lệ quốc tế.

Ảnh hưởng của việc nhập bò Úc với bò nội như thế nào?

Tất nhiên là có ảnh hưởng nhất định. Xưa ta dựa vào giống bò bản địa, bò lai, tốc độ tăng trọng chậm, khối lượng nhỏ nhưng thịt rất được giá. Giờ 1 con bò Úc to bằng 2 con bò nội nên nhập về cạnh tranh, giảm giá, ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân, nhất là khi nhập nhiều như năm 2015.

Vì là nhập dạng bò thịt nên Úc bán cho ta những con đã triệt sản rồi, cả đực lẫn cái. Đối với bò cái họ đặt thuốc tránh thai, bò đực họ có thể thiến hoặc đặt thuốc tuy nhiên vẫn có xác suất nhỏ nào đấy còn sót lại. Bởi vậy những con ta nhập về mà vẫn đẻ được là sót lại chứ bò giống họ bán một giá khác, cao hơn hẳn. Còn chuyện nhập bò giống chỉ có những cơ quan chuyên môn hoặc hiệp hội xác định chất lượng về giống, giá mỗi con bò giống nhập về vài chục ngàn USD là bình thường.

Doanh nghiệp nhập bò thịt hiện đang kêu khó khăn và có đề nghị phá thế độc tôn chỉ nhập từ Úc bằng cách mở thị trường nhập từ Brazil, tránh tình trạng một người bán nhiều người mua? Ý ông ra sao?

Hiện Việt Nam và Brazil chưa có hiệp định về thú y nên chưa thể nhập bò. Tìm kiếm cơ hội nhập bò nguyên con từ nước khác ngoài Úc là một hướng giảm thế độc quyền. Các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm việc nhập bò từ Úc để định hướng chiến lược kinh doanh bền vững cho mình theo hướng nhập giống và bò sinh sản để chủ động lâu dài. Các doanh nghiệp cũng cần có liên kết với bà con chăn nuôi bò để họ nuôi gia công hoặc trồng cây thức ăn cho bò, tạo thành liên kết chuỗi và gắn với giết mổ công nghiệp để tăng giá trị gia tăng của chuỗi giá trị sản phẩm thịt bò tại Việt Nam.

Nghe doanh nghiệp trình bày thì muốn mua bò phải đặt cọc trước nhưng khi sang Úc lại không có cơ hội chọn tuổi bò, chủng loại bò, tóm lại là bị động hoàn toàn?

Việt Nam hiện không có nhiều công cụ, sức mạnh để đàm phán vì là kẻ đến sau, trước đó Úc đã thiết lập buôn bán với Indonesia và những nước khác rồi. Bao giờ cũng phải ưu tiên các hợp đồng lớn. Hơn nữa bò Úc được chăn thả tự nhiên nên tuổi, giống không đồng đều. Khi ta mua lại không có hợp đồng dài hạn mà phải mua gom từ các trại lại càng không đồng đều nữa.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.