Không cho về ở chung thì chúng tự tử
Theo chồng khi mới 14 tuổi, đến nay, chị R. tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã có 7 mặt con, 3 cháu ngoại. Chồng chị là anh Đ., trú cùng xã Thanh cưới chị lúc đó cũng mới 15 tuổi. Ngày ấy, anh chị đi sim rồi ưng bụng nhau, dắt nhau về nhà bắt bố mẹ cưới hỏi. Sinh tù tỳ 7 đứa con, chắt chiu từng đồng từ trồng sắn, trồng ngô, buôn măng, chị đã thấm được cái khổ, cái nghèo.
Những tưởng, đó sẽ là bài học cho các con mình. Nhưng rồi đứa con gái lớn nhà chị cũng theo chồng lúc mới 15 tuổi. Đầu năm nay, con trai út D., sinh năm 2005 dẫn Hồ Thị X. sinh năm 2008 về nằng nặc đòi tổ chức lễ cưới. Cấm cản không được, sợ chúng tự tử, gia đình chị cũng bàn soạn mâm chén mời dân làng đến ăn uống linh đình để ra mắt con dâu.
Tuổi yêu đương, thời điểm nam nữ dân tộc Bru Vân Kiều và dân tộc Pa Kô tại tỉnh Quảng Trị tìm hiểu nhau diễn ra tương đối sớm. Trai gái kết duyên sau những giờ lao động sản xuất trên nương rẫy hoặc giao lưu các dịp hội hè. Ngày trước, trai gái tìm hiểu nhau phổ biến nhất là trong các mùa đi sim.
Thuở ấy, khi trăng non bắt đầu chênh chếch sau những mỏm núi, nam nữ thường tụ tập tại ngôi nhà chung, hát hò, thổ lộ tâm tình. Khi những ánh mắt đã trao, cái bụng đã thầm ưng nhau, các đôi trai gái thường tách riêng tình tự. Nó tự nhiên như con cá phải bơi trong nước, con chim phải bay trên trời, con người phải hít thở không khí. Đến cuối mùa trăng, nhiều cặp đôi đã dắt nhau về nhà ra mắt. Nhà trai sắm sửa lễ vật thách cưới và rước cô dâu về nhà. Khi con gái đã có bầu, nhà gái cũng không muốn giữ lại sinh nở trong nhà vì như thế sẽ bị phạt vạ, bắt cúng dê, lợn, gà mời cả làng đến ăn.
Trai gái cứ về ở với nhau như vậy rồi được gọi là vợ chồng; khi nào cần làm giấy khai sinh cho con thì lên xã. Nếu bố mẹ đủ tuổi thì làm luôn giấy kết hôn; bố mẹ chưa đủ tuổi thì trong giấy khai sinh không ghi tên người bố. Sau này, khi bố mẹ chính thức có được giấy hôn thú thì người bố làm thủ tục nhận con.
Ông Hồ Văn Bun, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang (huyện Đakrông) cho biết, tục đi sim đã có trong đời sống đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều từ bao đời nay. Trước đây, con trai, con gái 14-15 tuổi chưa có người yêu, bố mẹ cũng nóng ruột, thúc giục chúng ra khỏi nhà để đi tìm bạn tình. Cũng có gia đình ép con lấy vợ, lấy chồng sớm.
Nhưng nay đã khác, nhà sim gần như không còn, tục đi sim cũng đã giảm. Bố mẹ cũng không ép con lấy vợ, gả chồng sớm nữa, chỉ là chúng tự tìm đến với nhau. Nhưng bố mẹ chúng, nếu muốn con ăn học, có việc làm, có tý lưng vốn, đủ tuổi rồi hẵng lập gia đình cũng khó. Bọn trẻ đã trót ưng cái bụng, nếu không đồng ý về ở chung chúng dọa sẽ tự tử. Vì thế, những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới vẫn cứ tìm đến với nhau rồi về sống với nhau như vợ chồng.
“Vẫn còn tục đi sim nhưng chủ yếu là con trai người Lào sang đây đi sim rồi đưa con gái người Việt sang bên đó làm vợ hoặc con trai Việt Nam sang Lào đi sim rồi dẫn vợ về. Nhưng đây là cả một câu chuyện dài, địa phương cũng đang lúng túng trong việc quản lý”, ông Bun chia sẻ.
‘Thế giới phẳng’ gõ cửa bản làng
Những mùa trăng đi sim đã thưa thớt dần. Thay vào đó, lũ trẻ được đến trường, tiếp cận với điện thoại thông minh. Những mùa sim vì thế cũng diễn ra vào cả những đêm tối trời, nhất là những ngày nghỉ tết, nghỉ hè. Thế giới bỗng xích lại gần nhau hơn khi có trong tay chiếc điện thoại, những đứa trẻ cũng vì thế đến với nhau sớm như một lẽ tự nhiên.
K., sinh năm 2006, tại thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông. Năm 2020, K. bỏ học đi vào miền Nam làm thuê. Qua mạng xã hội, K. quen Th., sinh năm 2009, tại xã Tà Rụt. Cuối năm 2024, lúc này mới hơn 15 tuổi, đang học lớp 9, bụng của Th. cứ mỗi ngày một lớn. Th. đành gác lại chuyện học hành, theo K. về nhà chồng chuẩn bị sinh nở.
“Cháu phải nghỉ học để đi lấy chồng vì đã có bầu. Ba mẹ cháu cũng buồn nhưng có bầu rồi thì phải lấy chồng thôi”, Th. thản nhiên nói với anh mắt thơ ngây.
Còn K., dù đã bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành nhưng vẫn còn mơ hồ về tương lai. Với K., làm rẫy là đủ nuôi con cái trưởng thành. Ước mơ của cả K. và Th. cũng chỉ có thế. Thế giới và tương lai trước mắt lũ trẻ thật giản đơn: “Cháu sẽ làm rẫy, đủ để nuôi vợ con”, K. quả quyết.
Anh T., bố cháu K. bị bệnh tật hành hạ quanh năm, có khi nhiều ngày liền không thể bước chân ra khỏi nhà. Chị Đ., vợ anh một mình lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà, nay lại thêm gánh nặng. Chị chưa biết phải tính toán thế nào.
“Tiền bán sắn thì cũng chỉ được khoảng 10 triệu mỗi năm. Lúa trồng không đủ ăn. Khuyên bảo con học hành, đừng lấy vợ lấy chồng sớm nhưng chúng không nghe. Thời đại này, cầm cái điện thoại trong tay, làm quen qua mạng xã hội nên chúng nó lấy nhau sớm”, anh T. nhăn nhó trở mình trên chiếc chiếu mỏng manh giữa nhà.
Ở thôn A Đeng, có lẽ không nhiều ông bố, bà mẹ tự tin khuyên can con cái lấy vợ, gả chồng muộn. Bản thân họ cũng lấy chồng, lấy vợ từ ngày “nữ thập tam, nam thập lục”. Vì thế, há miệng mắc quai, chuyện bọn trẻ tìm đến với nhau sớm cũng không lấy gì làm lạ.
Hồ Thị Thanh, sinh năm 2007 tại thôn A Đeng, xã A Ngo cũng quen bạn trai Hồ Văn Thuấn, sinh năm 2009 tại thôn A Pup, xã Tà Rụt qua mạng zalo, fecebok vào cuối năm 2023 (tên nhân vật đã được thay đổi). Chỉ 2 tháng sau, Thanh có bầu. Nhưng Thanh không may mắn như nhiều bạn khác, nhà trai không thừa nhận, cháu phải về sinh con ở nhà bố mẹ đẻ. Nhà bố mẹ Thanh cũng nghèo rớt mùng tơi, nay lại phải nuôi thêm đứa cháu, cơ cực càng thêm cơ cực.
Cánh cửa tương lai của cháu Thanh và nhiều bé gái dân tộc Bru Vân Kiều, Pa Kô khắp các bản làng miền Tây Quảng Trị như đóng sầm trước mặt. Chúng bỏ lại ước mơ trường lớp, bỏ lại tuổi thơ để mai này, sau ngày ở cữ lại lên nương rẫy tìm miếng cơm manh áo như chính những người đã sinh ra chúng.
Thầy Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Pa Nang, xã Ba Nang cho biết, sau các kỳ nghỉ, thầy cô giáo lại lặn lội về các bản làng để vận động học sinh đến lớp. Vài năm gần đây, gần như năm nào cũng có học sinh bỏ học đi lấy chồng. Số học sinh nghỉ học luôn sau các kỳ nghỉ rồi không biết làm gì thì nhà trường không thể nắm được.Thực tế đau lòng, nạn tảo hôn vẫn diễn ra chưa có cách nào ngăn chặn triệt để.