| Hotline: 0983.970.780

Xã trường thọ

Thứ Sáu 17/01/2020 , 11:10 (GMT+7)

Đã từ lâu xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được mệnh danh là “xã trường thọ”. 

Ở nơi đây có rất nhiều cụ ông, cụ bà sống tới trăm tuổi. Điều đặc biệt, dù đã trăm tuổi nhưng các cụ vẫn mạnh khỏe, dẻo dai, minh mẫn...
 

Những tình bạn tuổi 100

Trong tiết trời se lạnh của buổi cuối chiều, chúng tôi có mặt tại xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên– nơi được mệnh danh “xã trường thọ” và bắt gặp một cụ bà tóc bạc phơ đang vịn tay vào bờ tường để sang nhà hàng xóm chơi.

17-34-49_hinh_nh_1
Đôi bạn già cụ Đào Thị Thuận và cụ Lương Thị Nghi.

Thấy chúng tôi cúi chào, cụ ngừng bước đi, chăm chú nhìn khách lạ bằng đôi mắt vẫn sáng và cất lời hỏi han khách bằng những câu chuyện rất minh mẫn, mạch lạc. Cụ cho biết tên là Đào Thị Thuận ở thôn Từ Đài (sinh năm 1914) - năm nay đã 105 tuổi. Chồng cụ và con trai đều đã mất rồi, các cháu thì đi làm xa, nên cụ ở một mình trong ngôi nhà nhỏ này.

“Cứ cơm nước cữ chiều xong là tôi sang nhà bà Nghi hàng xóm nói chuyện cho đỡ buồn. Bà Nghi cũng già rồi, loanh quanh mấy cụ già chơi với nhau, ngày nào cũng đi sang nhà nhau”, cụ Thuận nói.

105 tuổi, nhưng cụ Thuận sống một mình, khuôn mặt và đôi mắt của cụ vẫn hiện lên nét tinh anh và vẻ đôn hậu của một phụ nữ đã sống quá một đời người. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Giang Nam (sinh năm 1964) - cháu trai của cụ Thuận cho biết, thời trẻ cụ rất siêng năng lao động. Việc ăn uống, sinh hoạt đều do một tay cụ lo liệu hết. Khi cụ ông mất, cụ bà vẫn ở vậy, chăm lo, nuôi dưỡng chu đáo cho các con, các cháu.

“Thì con cá dưới sông, con gà trong vườn, cứ chăm rồi con cháu, hàng xóm họ bắt về giúp cho. Lúa thì giờ không ra cấy gặt được nữa, tôi thuê người. Rau thì vẫn tự trồng, có sẵn trong vườn. Gắn bó quá nửa đời người với đồng áng nên cụ đã quen với sương gió, hiếm khi có bệnh tật.

17-34-49_hinh_nh_4
Cụ Thuận (105 tuổi) vẫn minh mẫn, sống vui vẻ bên con cháu.

Cụ sống đơn giản, chan hòa với tất cả mọi người. Không nặng nề lo toan suy nghĩ nên cụ rất thanh thản. Cụ là người sống nội tâm, rất tình cảm nên cuộc đời của cụ từ khi sinh ra đến khi sống đến 105 tuổi chưa hề biết giận hờn hay oán trách ai điều gì” – ông Nam bày tỏ.

Ngồi dựa hiên nhà, cụ bà Lương Thị Nghi (gần 90 tuổi, ở thôn Từ Đài) cười nói: “ Con cái lớn ở riêng, tôi sống với cháu nội. Thời còn sức khỏe thì ra đồng cấy cày cùng mọi người, về già thì trồng rau nơi vườn nhà, rồi sang chơi nhà các cụ hàng xóm hoặc chờ đón các cụ sang cùng uống chén nước, trò chuyện tuổi già. Con cháu có công việc và niềm vui của con cháu, chúng tôi có công việc và niềm vui của chúng tôi, không lụy phiền gì đến nhau cả”.
 

Bí quyết sống thọ

Điều rất dễ nhận ra là hầu hết các cụ sống trường thọ ở đây đều có tính hài hước, yêu đời. Với cách nói chuyện hóm hỉnh, cụ ông Phạm Văn Thái (sinh năm 1927) - ở xóm 1, thôn Từ Đài nói: “Lúc xưa chúng tôi ăn lúa mùa với rau sạch. Còn bây giờ ô nhiễm môi trường, không khí không còn trong lành. Thực phẩm như thịt heo thì nhiễm nhiều bệnh, đồ ăn thức uống chứa quá nhiều hóa chất, rau thì hàm lượng thuốc sâu nhiều... Vì vậy con người không bệnh tật sao được”.

Cụ bà Lê Thị Chuyên (sinh năm 1929) – vợ cụ ông Phạm Văn Thái tiếp lời: “Hằng ngày tôi vẫn giữ thói quen ăn uống điều độ, chịu khó vận động. Thú vui của tôi là lúc rảnh rỗi thì trồng các loại cây xanh, rau, quả để vừa có thực phẩm sạch, vừa đỡ tốn tiền. Ngoài ra, tôi sống thảnh thơi, vô lo vô nghĩ, tâm nhẹ nhàng nên sức khỏe cũng tốt”.

Cặp vợ chồng hai cụ Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Văn Thuần ở thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại đều đã hơn trăm tuổi nhưng cả hai vẫn giữ nếp đi bộ tập thể dục khoảng 2 - 3 km mỗi buổi sáng. Cụ Thuần cho biết, ở làng này nhiều cụ thọ 100 tuổi, thậm chí hơn 100 tuổi nhưng cơ bản chỉ còn mỗi cụ bà. Chỉ duy nhất gia đình cụ hiện tại còn cả cụ bà và cụ ông.

17-34-49_hinh_nh_2
Cụ Thuần và cụ Huệ năm nay đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh.
Người dân xã Chuyên Ngoại sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Với cấu trúc vườn nhà truyền thống đậm bản sắc làng quê Việt Nam, nơi đây tựa như “thiên đường” nghỉ ngơi giữa chốn phồn hoa đô thị. Ngoài ra, Hội Người cao tuổi ở xã Chuyên Ngoại luôn đi đầu trong các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, lập ra nhiều câu lạc bộ là nơi để các cụ gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ ngọt bùi...

“Trước đây, ngày nào tôi với bà nhà tôi cũng đi tập thể dục vài cây số nhưng giờ yếu rồi, buổi sáng hàng ngày chỉ đi bộ khoảng 2 - 3km thôi. Thời còn trẻ, hôm nào thời tiết nóng nực, tôi cũng ra tắm sông ùm ùm, lặn sâu đến vài ba mét. Giờ chúng nó thấy có tuổi nên không cho đi nữa, chứ tôi cũng nhớ lắm”, cụ Thuần tự hào khoe.

Do hai cụ có một người con trai đã mất sớm, nên hiện hai cụ sống với người cháu họ là ông Nguyễn Xuân Đô (70 tuổi . Ông Đô cho biết, các con ông lớn và đã xây dựng gia đình, giờ ông cũng đã có cháu nội, cháu ngoại.

Hàng ngày, ông trông các cháu và chăm sóc vợ chồng cô chú Thuần.

“Ăn uống của vợ chồng cô chú Thuần cũng rất đơn giản, sáng ăn nhẹ, còn bữa trưa và tối cô chú cũng chỉ ăn 1 lưng cơm. Cô chú sáng đi thể dục về, nếu không đi sang nhà hàng xóm chơi thì ở nhà uống trà, chơi với con cháu. Cô chú vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, tự chăm sóc bản thân rất tốt, không bệnh tật gì”, ông Đô cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm sống thọ, không bệnh tật, cụ Thuần cho biết, cụ sống khoa học, không rượu bia, hút thuốc, hàng ngày có tập thể dục và luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm nhất có thể cùng với đó là sống trong môi trường nhiều cây xanh.

“Chắc là lối sống giản dị, lạc quan, sống đậm đà tình cảm của con người nơi đây; rồi đất đai màu mỡ, vườn tược trù phú, người dân gắn bó với nghề nông là chính, họ thường xuyên lao động chân tay nên sức khỏe vô cùng dẻo dai”, cụ Thuần lý giải.

Còn bà cụ Nghi cũng cho biết, từ lúc còn trẻ đã hay cười, tính tình vui vẻ, ít giận ai được lâu. Cuộc sống của cụ bình an, làng quê không khí trong lành nên dù chẳng được ăn cao lương mỹ vị bao giờ, cụ vẫn thấy khỏe mạnh, minh mẫn. “Cũng có thể do di truyền nữa, làng cũng nhiều người cao tuổi mà. Tôi chưa thấy ai về nghiên cứu làng vì sao cao tuổi cả”, bà cụ Nghi cho hay.

Ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Chuyên Ngoại chia sẻ: “Toàn xã Chuyên Ngoại có gần 9.000 nhân khẩu thì tổng số hội viên Hội Người cao tuổi là 1.644 người, tính trung bình các cụ tuổi từ 80 - 100 tuổi có 559 cụ, tròn 100 tuổi có 9 cụ, trên 100 tuổi trong toàn xã có 4 cụ.

Đã nhiều năm nay, Chuyên Mỹ vẫn thường được nhiều người nhắc đến là “xã trường thọ”, bởi ở đây có nhiều cụ sống thọ hơn 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, dẻo dai.

Bí quyết thì tôi chả thấy gì, các cụ ăn uống cũng rất giản dị, hầu hết là tự cung tự cấp. Xưa nay người dân ở xã sống dựa vào công việc lao động thuần nông là chính. Họ bao giờ cũng lấy lao động là niềm vui, cần cù, chịu khó tăng gia sản xuất nên có một nền tảng sức khỏe dẻo dai. Chính vì vậy mà mọi người sống không vướng bận lo âu, lạc quan, yêu đời, tuổi thọ cũng vì thế mà được kéo dài hơn”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm