| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng Chính phủ điện tử là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Chủ Nhật 14/04/2019 , 09:53 (GMT+7)

Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 20/9/2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 13/4 (giờ địa phương), tại Washington, D.C., Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu tại phiên họp mở đầu của chuyên đề ứng dụng kỹ thuật, đổi mới trong quản trị công (GovTech) thuộc Hội nghị mùa Xuân 2019 do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức về Quản trị số, phát triển Chính phủ số.

Tại phiên mở đầu nhằm mục tiêu phản ánh và trao đổi về những thách thức và cơ hội liên quan đến việc thiết kế và triển khai GovTech với đại diện các Chính phủ, các nhà đổi mới công nghệ, đối tác phát triển và đại diện xã hội, ông Mai Tiến Dũng đã trả lời câu hỏi của đại biểu về việc Việt Nam đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số như thế nào và những trăn trở của người tham gia vào quá trình này.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2000 và đạt được một số kết quả nhất định.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018 đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung trong khu vực và trên thế giới, kết quả này là rất khiêm tốn.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

Với vai trò là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đồng thời là Ủy viên thường trực, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, ông Mai Tiến Dũng cho biết luôn trăn trở với 2 cầu hỏi lớn, đó là: Rào cản phát triển Chính phủ điện tử là gì, tại sao Việt Nam triển khai xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tương đối dài như vậy mà kết quả không tương xứng; thứ hai là làm thế nào để vượt qua các rào cản đó, triển khai nhanh, có hiệu quả chương trình Chính phủ điện tử.

Rào cản trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là về thể chế thiếu các nền tảng pháp lý quan trọng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; định danh, xác thực điện tử; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về hạ tầng công nghệ, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam chưa phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Chưa có các hệ thống nền tảng dùng chung gồm Nền tảng hạ tầng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Hệ thống xác thực tập trung, Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu quốc gia quan như cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai chưa hoàn thành.

Trong vấn đề nguồn nhân lực, việc tổ chức thực hiện chưa phát huy vai trò người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện.

Thói quen sử dụng văn bản giấy tờ của cán bộ, công chức cũng như chưa tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Từ những hạn chế đã xác định, ông Mai Tiến Dũng cho biết những cách làm mà Việt Nam đề xuất và triển khai có hiệu quả trong thời gian vừa qua cũng theo đúng chủ đề của Hội nghị GovTech lần này là "Đặt người dân lên trên hết với Chính phủ đơn giản, hiệu quả và minh bạch."

Ông Mai Tiến Dũng chia sẻ bài học lớn nhất là phải triển khai đồng thời cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ (BPR) và ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, minh bạch thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp mới tạo yếu tố quyết định thành công.

Ngoài ra cần phải có chiến lược quản lý để thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử. Do vậy cần thiết phải triển khai song song việc đào tạo, tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống.

Đối với câu hỏi của đại biểu liên quan đến tốc độ thay đổi của khoa học công nghệ hiện nay, để bảo đảm rằng các chính phủ không bị bỏ lại phía sau, ông Mai Tiến Dũng cho biết để bảo đảm rằng các chính phủ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay, với kinh nghiệm của Việt Nam, thì có thể đồng hành để cùng phát triển bền vững về quản trị số ở một số khía cạnh.

Cụ thể, các quốc gia phát triển và các tổ chức, định chế lớn như Ngân hàng thế giới cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt cho các nước đang phát triển.

Chính phủ các nước và khu vực tư nhân cùng hợp tác xây dựng các nền tảng mở, tiêu chuẩn kỹ thuật mở phục vụ quản trị số.

(Vietnam+)

Xem thêm
Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Đón chào đoàn khách du lịch đầu tiên của năm 2025 đến Quảng Bình

Đại diện lãnh đạo ngành Du lịch Quảng Bình gửi lời chúc những vị khách đầu tiên đến Quảng Bình trong năm 2025 sẽ có những trải nghiệm đầy ý nghĩa.

'Làng Nủ hạnh phúc'

Đó sẽ là tên gọi mới của ngôi làng mà 3 tháng trước từng là tâm điểm tang thương trong trận lũ quét lịch sử xảy ra tại Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai).