| Hotline: 0983.970.780

'Xem xét sửa Luật Đất đai theo hướng tích tụ, tập trung quy mô lớn'

Thứ Tư 27/01/2021 , 13:43 (GMT+7)

Bí thư Bắc Giang cho rằng, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Ngày 27/1, Đại hội XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ hai. Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận, nêu rõ vị trí chiến lược quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển và thu được những kết quả ấn tượng

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang có bài tham luận với chủ đề “Phát triển nông nghiệp đa dạng tỉnh Bắc Giang dựa trên điều kiện đặc thù vùng trung du - miền núi".

Ông Thái cho rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển và thu được những kết quả ấn tượng.

“Nông nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, bộ mặt nông thôn Việt Nam có nhiều đổi mới”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khẳng định. 

Nông nghiệp ngày càng giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang thăm một số vườn cam thâm canh điển hình tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Lê Bền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang thăm một số vườn cam thâm canh điển hình tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Lê Bền.

Nhấn mạnh ba bài học kinh nghiệm tại địa phương trong phát triển, sản xuất nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển các vùng sản xuất và định hướng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng sinh thái (có đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau) để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chất lượng.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Thái nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp không ngừng đổi mới tư duy, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hướng tới thị trường toàn cầu.

Cùng với đó, đại biểu Dương Văn Thái nhấn mạnh đến việc ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm giải pháp trung tâm, tạo đột phá tăng năng suất, chất lượng; làm tốt công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển các chuỗi liên kết giá trị, phát triển thị trường để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông sản.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tập trung phát triển toàn diện trên cả ba khu vực kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Để đạt được các nhiệm vụ đề ra, Bí thư Dương Văn Thái nêu rõ việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, vận động phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương từng bước hiện đại, bền vững.

Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

“Khai thác hiệu quả thế mạnh về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực, địa bàn, Bắc Giang sẽ quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; xây dựng vùng cây ăn quả của tỉnh thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia”, ông Thái cho biết.

Cùng với đó, Bắc Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm, kịp thời đề ra các chủ trương, định hướng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất...

Bắc Giang tiếp tục ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, đặc biệt các thế mạnh về cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, trồng rừng kinh tế.

Bắc Giang đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất tạo bước phát triển đột phá; xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu; đồng thời gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông mới, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển, đại biểu Dương Văn Thái đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa Luật Đất đai theo hướng tích tụ, tập trung đất đai với quy mô lớn phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện nay; tăng cường đàm phán thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.