| Hotline: 0983.970.780

Anh lên tàu đi Trường Sa lưng trời mây thẳm

Thứ Ba 20/02/2018 , 09:01 (GMT+7)

Trong chuyến đi thực tế Trường Sa gần đây nhất, một kỷ niệm không thể nào quên với tôi khi lên đọc bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của mình trong đêm giao lưu văn nghệ với quân và dân đảo Trường Sa lớn.

Các chiến sĩ đã ùa lên cùng hát với tôi ca khúc phổ bài thơ này và tôi chợt thấy “Tổ quốc nhìn từ biển” ở Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt của thi ca và cuộc đời tôi.

16-32-49_nvc_v_linh_tre_ts
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với các chiến sĩ trẻ ở Trường Sa

Hôm trước bay từ Hà Nội vào Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam, sớm hôm sau chúng tôi được xe chở tới quân cảng Cát Lái lên tàu ra Trường Sa. Tàu rời cảng trong tiếng còi tạm biệt, trong số các chiến sĩ hải quân ra tiễn đoàn, tôi thoáng nhìn thấy nhạc sĩ Quỳnh Hợp, người đã phổ bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi. Người dưới tàu vẫy lên, người trên tàu vẫy xuống gợi cho tôi cảnh chia tay thật cảm động cách đây hơn bốn chục năm trên sân ga Hàng Cỏ khi những người lính Hà Nội đi vào chiến trường phía Nam.

Sau mấy chục năm, hình ảnh người lính Trường Sơn năm xưa lên đường đi Trường Sa cùng một tứ thơ chợt ùa về trong tâm tưởng tôi và bài thơ “Trường Sơn rồi đến Trường Sa” được viết ngay trên tàu:

Anh lên tàu

Đi Trường Sa

Lưng trời mây thẳm

Những người lính năm xưa

Lẫn vào mây trắng

Máu san hô

Thấm hồn sóng mặn

Biển

Cồn cào thương đau

 

Mưa Trường Sơn năm xưa

Cùng anh lên tàu

Trường Sa biển vào mùa nắng ấm

Đất nước như con tàu trận mạc đi qua:

 

Trường Sơn rồi đến Trường Sa

Miên man binh lửa, hằng hà máu xương

Bao người con của quê hương

Lẫn vào mây trắng sa trường còn nghe

Hồn vương gốc lúa, bờ tre

Mẹ Việt Nam mãi chở che tháng ngày

 

Anh lên tàu

Đi Trường Sa

Lưng trời mây thẳm

Nhớ một thời

Sương trắng

Nắng Trường Sơn”

(Thơ Nguyễn Việt Chiến)

Tàu HQ561 đưa chúng tôi ra Trường Sa là chiếc tàu quân y khá hiện đại, có 4 tầng và chứa được khoảng 200 người, các phòng đều có máy lạnh. Tàu được quân chủng Hải quân đóng cách đây vài năm, màu sơn mới còn tươi.

Trong hải trình 9 ngày trên biển, sôi nổi và hào hứng nhất là đoàn ca múa của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội do nữ ca sĩ Dương Minh Ánh, hiệu trưởng dẫn đầu. Các nữ diễn viên múa xinh đẹp và các giọng ca trẻ trung đã thật sự khuấy động không khí giao lưu giữa các đoàn Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Bắc Ninh và đoàn Dầu khí trên tàu ra đảo. Đây cũng chính là đoàn văn công xung kích cùng đoàn công tác số 9 lên thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ hải quân ở 3 đảo nổi: Trường Sa, Phan Vinh, An Bang; 4 đảo chìm: Đá Lát, Tốc Tan, Tiên Nữ, Thuyền Chài và nhà giàn DK1/14.

16-32-49_nvc_voi_linh_do_toc_tn
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với lính đảo Tốc Tan

Trao đổi với tôi, thượng úy Nguyễn Đình Thanh, quê Nghệ An hiện đóng quân ở đảo Tiên Nữ cho biết, anh năm nay 41 tuổi, đã có 19 năm phục vụ trong lực lượng hải quân và đã có gần 5 năm công tác luân phiên ở các đảo của Trường Sa. “Những tháng năm này, các anh em cán bộ, chiến sĩ ở đảo Tiên Nữ luôn thao thức nỗi nhớ đất liền, nhớ quê hương, nhớ người thân nhưng với nhiệm vụ thiêng liêng Tổ quốc giao cho bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng tôi luôn đoàn kết, lạc quan, vui vẻ và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo, bảo vệ cột mốc chủ quyền của đất nước ở Trường Sa”, thượng úy Thanh nói. Trong chuyến công tác này, ngoài các thùng quà gửi tặng chiến sĩ hải quân, Đoàn Hà Nội còn trao 35 tỉ đồng để xây dựng nhà văn hóa trên đảo Tiên Nữ và dự lễ khởi công ở đây.

Trong hải trình qua 8 đảo phía Nam Trường Sa, chúng tôi có 9 ngày ăn và ngủ trên biển khi tàu đi xuyên đêm. Tới các đảo, tàu neo ở ngoài xa, gần 200 thành viên của đoàn công tác lần lượt xuống ca nô, vượt sóng vào đảo. Mỗi người đều phải mặc áo phao, đi dép rọ nhựa và đội mũ cứng quân nhân. Tất cả mọi động thái lên tàu, xuống tàu, lên đảo, rời đảo…của mọi người đều được các chiến sĩ hải quân giám sát và giúp đỡ để bảo đảm an toàn. Ngồi trên ca nô, cưỡi trên những đợt sóng ào ạt xô tung, nghiêng ngả mới thấy đời thủy thủ nhiều hứng thú nhưng cũng lắm gian lao.

Lên tới đảo, các thành viên của đội văn nghệ xung kích như những cánh chim biển bay lượn, reo vui. Tiếng hát, tiếng đàn đã nối các chiến sĩ ở đảo trong vòng tay lớn. Nhìn gương mặt những người lính trẻ tưng bừng, hớn hở tay bắt, mặt mừng với các nữ sinh viên trẻ trung của Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trong các bài ca, các điệu nhảy mới thấy sức sống hồn nhiên nơi những người trẻ tuổi chính là mạch sống tinh thần của họ những năm tháng này.

Trên các hòn đảo chìm quanh năm bị vây bọc bởi sóng biển, bão gió và thời tiết khắc nghiệt giữa đại dương bao la, những người lính còn phải đối mặt với cô đơn và sự xa vắng tình yêu nam, nữ. Họ phải nén mình xuống, dằn lòng xuống để dồn tất cả nghị lực sống cho việc học tập, luyện tập, tuần tra, luôn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu để bảo vệ các hòn đảo chìm như những cột - mốc - sống trên vùng biển Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

16-32-49_nvc_r_do_thuyen_chi
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến ra đảo Thuyền Chài

Trên đảo Phan Vinh, tôi gặp Phạm Quốc Vương, sinh năm 1997, quê Ninh Bình mới ra đảo được 4 tháng, em cho biết vừa học xong THPT, vì thích “màu áo hải quân” nên đã làm đơn tình nguyện vào bộ đội hải quân và xin ra Trường Sa. Vương cho biết, ước mơ lớn nhất của mình sau thời gian công tác ở Trường Sa về sẽ được đi học lớp sĩ quan hải quân để được gắn bó với biển đảo quê hương. Các chàng lính trẻ ở đảo này hầu hết chưa có người yêu, họ cho biết rất vui và được động viên rất nhiều khi có mỗi đoàn trong đất liền ra thăm đảo, để họ được thấy tình quê hương chan chứa luôn ở trong trái tim mỗi người lính.

Điều đặc biệt, trong đoàn công tác ra thăm Trường Sa lần này có thượng tọa Thích Giác Nghĩa. Ông là vị thượng tọa đầu tiên trụ trì ở chùa Trường Sa trên quần đảo bão tố này trong nhiều năm liền. Đến nay, ông trở về trụ trì hai ngôi chùa ở tỉnh Khánh Hòa, và lần này ra thăm đảo, gặp lại những cán bộ, chiến sĩ năm xưa từng trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió.

Trao đổi với tôi, thượng tọa Thích Giác Nghĩa cho biết khi ông ra trụ trì ở chùa Trường Sa thì người thầy của ông là thượng tọa Thích Tâm Trí trụ trì một ngôi chùa ở Nha Trang, Khánh Hòa có làm một bài thơ để tiễn ông với tựa đề là chữ “Đi” như sau: “Hãy ra đi vì biên cương biển đảo / Đi ra đi, cưỡi sóng vượt trùng dương / Đi ra đi cho yên bình hiện hữu / Đi bước đi để ổn cố sơn hà”. Bài thơ trên hiện được treo ở chùa Trường Sa và đã được một số nhạc sĩ phổ nhạc với tựa đề là “Tiếng gọi non sông”.

Đáng chú ý, khi thượng tọa Thích Giác Nghĩa ra trụ trì ở chùa Trường Sa, một số đài, báo nước ngoài đã phỏng vấn ông. Thượng tọa Thích Giác Nghĩa cho biết: “Tôi đã trả lời nhiều báo, đài (kể cả phỏng vấn của phía Trung Quốc) để cho họ thấy đã có thêm sự khẳng định của tôn giáo về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tôi nói với họ: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ chủ quyền của dân tộc Việt Nam chúng tôi. Bao nhiêu đời cha ông chúng tôi đã ra đó sinh sống và tu hành. Hôm nay, các ngôi chùa ngoài đó được trùng tu, sửa chữa lại, chúng tôi ra đó để tiếp nối sự nghiệp cha ông của chúng tôi, vừa tu hành vừa bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Khi họ hỏi: “Thầy căn cứ vào đâu mà cho rằng các ngôi chùa ở Trường Sa đã có từ lâu?”.

Tôi trả lời: “Con người Việt Nam của chúng tôi đi đâu cũng mang theo nền văn hóa của họ đi theo, một trong những văn hóa đó là văn hóa đình chùa miếu mạo, họ lập đình để thờ Thần, thờ những bậc khai ấp lập làng, họ lập chùa để thờ Phật mong Đức Phật phù hộ độ trì để được bình yên, làm ăn phát đạt… đó là đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Vậy chỗ nào có đất của người Việt Nam ở thì chỗ đó có đình chùa miếu mạo…”.

Tạm biệt Trường Sa mà những câu nói của ông vẫn còn đọng mãi trong tâm trí tôi.

16-32-49_nguyen_viet_chien_tren_noc_nh_dn_dk1-14
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trên nóc nhà giàn DK1/14

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.