Thu hoạch thủy sản |
Ngày 25/8, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thay mặt các hiệp hội Sữa, Chè, Thủy sản, Eurocham và Ban đồ uống & thực phẩm Amcham, gửi kiến nghị lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về một số vấn đề liên quan đến Nghị định 38 đang gây bức xúc cho DN.
Cụ thể, bên cạnh vấn đề kiểm tra hàm lượng formaldehyt trên các sản phẩm dệt may theo quy định của Bộ Công thương, thủ tục Xác nhận Công bố phù hợp quy định ATTP quy định tại Nghị định 38 và Thông tư 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế là vấn đề gây bức xúc cho DN trong nhiều năm qua.
Đến nay, vấn đề formaldehyt đã được Bộ Công thương bãi bỏ, nhưng thủ tục Xác nhận Công bố phù hợp quy định ATTP vẫn chưa được Bộ Y tế bãi bỏ. Trong khi đó, tại Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017 của Chính phủ gửi Đoàn Giám sát Quốc hội, đã khẳng định thủ tục Xác nhận Công bố phù hợp quy định ATTP chưa được quy định trong Luật ATTP, ít hiệu quả trong triển khai thực tiễn và không còn được sử dụng trong quản lý ATTP của các quốc gia trên thế giới.
Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ cùng kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc đối thoại ngày 13/5/2017 và trong chỉ đạo 321/TB-VPCP ngày 21/7/2017, cũng yêu cầu bãi bỏ thủ tục này.
Chính vì vậy, các hiệp hội thực phẩm kiến nghị với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét một số vấn đề liên quan đến các thủ tục về ATTP. Theo đó, trước hết, các hiệp hội thực phẩm đề nghị bãi bỏ quy định cấp Giấy Xác nhận Công bố phù hợp quy định ATTP tại Nghị định 38 do hiệu quả quản lý thấp và không có tác dụng bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Thay vào đó, các hiệp hội thực phẩm đề nghị quy định nhà sản xuất (hoặc nhà kinh doanh thực phẩm có giấy ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất) phải tuân thủy quy định của Bộ Y tế về ATTP bằng cách gửi tới Bộ bản đăng ký chất lượng thực phẩm với đầy đủ các chỉ tiêu và mức giới hạn ATTP theo đúng quy định, đồng thời công bố các chỉ tiêu, hàm lượng đó trên nhãn, bao bì sản phẩm và tài liệu kèm sản phẩm theo đúng quy định tại Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Một gánh nặng khác đối với các DN thực phẩm hiện nay liên quan tới các thủ tục ATTP và quy định ngoài việc phải được xác nhận Công bố phù hợp quy định ATTP, mỗi lô hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra thực tế về ATTP.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 có 163.960 lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra ATTP trước khi thông quan. Điều này tạo ra một gánh nặng thủ tục, chi phí cho DN kinh doanh thực phẩm. Để khắc phục tình trạng đó, Nghị quyết 19 của Chính phủ trong 3 năm liên tiếp từ 2015-2017 đã yêu cầu các Bộ áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chế độ DN ưu tiên trong kiểm tra ngành, nhưng đến nay chưa có Bộ nào áp dụng ...
Vì vậy, thay mặt các hiệp hội thực phẩm, VASEP đề nghị Chính phủ quy định chi tiết thực hiện khoản 3 Điều 39 Luật ATTP, theo hướng áp dụng chế độ DN ưu tiên trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành nói chung, kiểm tra ATTP nói riêng.
Theo đó, miễn kiểm tra khi thông quan đối với thực phẩm NK của DN có lịch sử tuân thủ tốt pháp luật. VASEP cũng cho biết hiện nay phần lớn các sản phẩm thực phẩm chịu sự quản lý của nhiều hơn 1 Bộ (nhất là kiểm tra ATTP thuộc Bộ Y tế, còn kiểm dịch thuộc Bộ NN-PTNT).
Bởi thế, VASEP kiến nghị Chính phủ quy định chỉ các mặt hàng tươi sống mới phải kiểm dịch; với mặt hàng vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra ATTP thì giao cho cơ quan kiểm dịch thực hiện bởi lực lượng này luôn làm việc trực tiếp ngay tại cửa khẩu và đã được Bộ NN-PTNT giao cho thực hiện cả kiểm dịch và kiểm tra ATTP ...
Rắc rối với muối i-ốt
Một khó khăn lớn mà các DN chế biến thủy sản đang gặp phải là khi sản xuất các sản phẩm chế biến từ thủy sản, DN bắt buộc phải sử dụng muối i-ốt. Các DN chế biến thủy sản, nhất là các DN sản xuất nước mắm truyền thống đang rất bức xúc với quy định này.
Bởi sản xuất nước mắm truyền thống phải sử dụng muối hột mới đảm bảo có được chất lượng tốt nhất. Mặt khác, theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT), trong cá biển đã có nhiều i-ốt rồi, nên không nhất thiết phải bắt buộc dùng muối I- ốt trong sản xuất nước mắm.
Sở dĩ các DN chế biến thủy sản bị bắt buộc phải dùng muối i-ốt trong việc sản xuất các sản phẩm chế biến là bởi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Theo đó, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt.
Điều đáng nói là trong cuộc họp ngày 13/3/2017 tại Văn phòng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, về vấn đề quy định sử dụng muối có i-ốt trong chế biến thực phẩm, đã kết luận Nghị định 09 chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung i-ốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho hai mục đích trên, không yêu cầu phải sử dụng muối có chứa i-ốt tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng i-ốt trong thành phẩm thực phẩm.
Tuy nhiên, tại văn bản số 1216/BYT-PC ngày 14/3/2017 của BYT về việc trả lời ý kiến của DN trong triển khai Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 09, Bộ Y tế lại khẳng định rang: “Các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt”. Như vậy, công văn này đã không đúng với tinh thần của Nghị định 09 cũng như kết luận tại cuộc họp ngày 13/3/2017 kể trên.
Cho đến nay, văn bản nói trên của Bộ Y tế vẫn đang gây khó khăn cho DN chế biến thủy sản, từ yêu cầu làm khó của khách hàng, thay đổi chỉ tiêu trong thủ tục công bố chất lượng đến việc phải xin các cam kết của các cơ quan nhà nước, phải in lại hàng loạt bao bì, nhãn mác, phải gia tăng các kiểm nghiệm mục tiêu về chỉ tiêu i-ốt ...