| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn vẫn tồn tại vận chuyển thực phẩm đông lạnh qua biên giới

Thứ Hai 04/11/2024 , 17:28 (GMT+7)

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhờ đẩy mạnh công tác chống buôn lậu gia súc, gia cầm từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam, nên tình trạng nhập lậu gia cầm giống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không còn 'nóng' như những năm trước. Ảnh: Quang Duy.

Nhờ đẩy mạnh công tác chống buôn lậu gia súc, gia cầm từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam, nên tình trạng nhập lậu gia cầm giống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không còn 'nóng' như những năm trước. Ảnh: Quang Duy.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn biên giới trên địa bàn hầu như không phát sinh trong tháng 10/2024. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn lén lút vận chuyển nhỏ lẻ các mặt hàng thực phẩm đông lạnh qua đường mòn biên giới khu vực huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định.

Tình hình gian lận thương mại qua xuất nhập khẩu được lực lượng chức năng kiểm soát tương đối chặt chẽ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng chính sách về thuế, chính sách thông thoáng về các thủ tục liên quan để khai báo sai về tên hàng hóa, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện nhập khẩu.

Gian lận thương mại ở khu vực nội địa liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, đo lường, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để gian lận về nguồn gốc xuất xứ... vẫn lén lút diễn ra.

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, một số vụ việc được cơ quan phát hiện có tính chất phức tạp hơn, giá trị tang vật lớn, các phương thức, thủ đoạn có nhiều khác biệt và ngày càng tinh vi. Trong khi đó, lượng hàng hóa làm thủ tục chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập hiện nay chiếm tới hơn 80%.

Để chủ động đấu tranh với các hành vi gian lận, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị hải quan tăng cường công tác thu thập thông tin và kiểm soát các khu vực có nguy cơ cao; kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng xuất nhập khẩu, nhất là hàng có thuế suất cao.

Bên cạnh đó, sử dụng các máy soi chiếu container tại những cửa khẩu có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma để phát hiện hành vi buôn lậu trong kê khai hải quan các mặt hàng có giá trị cao từ nước ngoài. Các chi cục hải quan cửa khẩu được yêu cầu kiểm soát chặt hồ sơ hải quan điện tử và tăng cường giám sát trực tuyến trên hệ thống…

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện hơn 1.300 vụ vi phạm, trị giá ước tính trên 32,6 tỷ đồng. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 1.300 vụ, số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước 6,2 tỷ đồng.

Hải quan Lạng Sơn tăng cường kiểm tra hàng hóa những tháng cuối năm. Ảnh: Trần Huyền.

Hải quan Lạng Sơn tăng cường kiểm tra hàng hóa những tháng cuối năm. Ảnh: Trần Huyền.

Đồng hành cùng lực lượng hải quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đồn biên phòng duy trì thường xuyên quân số trực tại lán, chốt kiểm tra ra vào khu vực biên giới. Tiếp tục tuyên truyền chuyên đề về phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu qua biên giới.

Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tăng cường ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm giống, các sản phẩm gia súc, giam cầm qua biên giới.

Lực lượng công an tỉnh triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đẩy nhanh quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc chức năng nhiệm vụ về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tập trung các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, xử lý các đối tượng kinh doanh có dấu hiệu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, thực phẩm không bảo đảm an toàn, vật liệu xây dựng, thiết bị, vật tư phòng cháy, chữa cháy và tiến hành 8 lượt kiểm tra thực tế.

Dự báo thời gian tới, tình hình kinh doanh bất hợp pháp tại thị trường nội địa, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, do là thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Ngoài việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên khích lệ tinh thần cho cán bộ, công chức, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm với những trường hợp có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu, để phát sinh diễn biến phức tạp, nổi cộm về buôn lậu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên nắm tình hình, tham mưu, đôn đốc thực hiện các kế hoạch công tác; phối hợp các lực lượng, ngành chức năng nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, những vấn đề, lĩnh vực phức tạp, nổi cộm để xây dựng kế hoạch thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.