Đây là dịp ghi nhận và vinh danh các sản phẩm có chất lượng hàng đầu, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có uy tín trên thị trường và đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan,... và đại diện 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là một chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất do Chính phủ thực hiện từ năm 2003.
Với mục tiêu phát triển thương hiệu quốc gia, chương trình hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các thương hiệu mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước có nền sản xuất phát triển, đồng thời tạo dựng uy tín cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
"Sau hơn 20 năm triển khai, chương trình đã trở thành bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng tầm sản phẩm và đưa thương hiệu Việt ra thế giới", Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ vinh danh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia là sứ mệnh không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà còn của toàn thể xã hội.
Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là 190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, đóng góp khoảng 150.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, đảm bảo việc làm cho hơn 600.0000 lao động và tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội.
Những đóng góp này không chỉ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước mà còn khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thủ tướng đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực phát huy các giá trị cốt lõi gồm chất lượng, đổi mới, sáng tạo, và năng lực tiên phong. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi xanh.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tháo gỡ các rào cản, khó khăn. Theo Thủ tướng, thành công của doanh nghiệp cũng là thước đo cho sự thành công của công tác điều hành và quản lý của Nhà nước.
Kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia năm 2024 lần thứ 9 được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, minh bạch. Trong năm nay, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã xét chọn 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Thương hiệu quốc gia Việt Nam, con số cao nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, kết quả này là minh chứng cho sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt, khẳng định năng lực cạnh tranh cũng như sự đổi mới không ngừng.
Điều này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác các hiệp định thương mại tự do, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và góp phần nâng cao vị thế quốc gia.
Đại diện các doanh nghiệp, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, chia sẻ, việc nhận được danh hiệu Thương hiệu quốc gia là niềm tự hào và cũng là động lực để Công ty tiếp tục phát triển bền vững.
Với sản phẩm cà phê hữu cơ L’amant Café, Vĩnh Hiệp không chỉ mang đến giá trị gia tăng cho người tiêu dùng mà còn cam kết phát triển sản xuất thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng xanh toàn cầu.
Ông Hiệp chia sẻ: "Doanh nghiệp Việt cần hướng đến những mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh, và phát triển bền vững để cùng chung tay giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực. Điều này không chỉ tạo ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà còn góp phần làm nổi bật thương hiệu Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế".
Theo ông, khi biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu, nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững. Do đó, sản phẩm xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
Đó cũng là cách mà các doanh nghiệp như Vĩnh Hiệp với sản phẩm L’amant Café, chuyển đổi từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xây dựng hình ảnh một Việt Nam phát triển bền vững.
Việc nâng cao nhận thức về thương hiệu quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt tự tin khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Thành công của các doanh nghiệp không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là minh chứng cho sức mạnh của nền kinh tế quốc gia, là niềm hy vọng cho sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.