| Hotline: 0983.970.780

Người hoán cải đồng ruộng Thái Bình...

Thứ Ba 29/01/2008 , 07:00 (GMT+7)

Lễ dâng hương tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân ngày giỗ thứ 100 của Thượng thư Lương Quy Chính do UBND tỉnh Thái Bình , Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ,Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam phối hợp tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội) đầu xuân 2008 với tiêu đề “ Thượng thư Lương Quy Chính, con người và sự nghiệp”, đã làm sáng tỏ thêm nhiều điều về thân thế, công lao và đức độ của cụ.

Lương Quy Chính tên chữ là Đoan Tiêu, hiệu Hộ Khê, sinh năm Ất Dậu (1825) tại thôn Hưng, xã Phú Khê, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay là thôn Đông, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). 25 tuổi cụ thi đỗ Cử nhân thứ 2 tại trường thi Nam Định, và chính thức nhập hoạn đồ ở tuổi 32.

Từ đó, trong gần 40 năm, cụ đã trải qua hàng chục chức vụ từ học quan, đường quan rồi võ quan, như người đời vẫn nói, là người “lên ngựa coi quân, xuống ngựa coi dân”, luôn được triều đình phái đến những nơi khó khăn nhất. Và nơi nào cụ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tỏ rõ tài năng, đức độ của mình. Ví như khi tri phủ Nho Quan (Ninh Bình), một viên quan nổi tiếng tham tàn, hà khắc, bị dân nổi loạn giết chết. Cả phủ náo động như một thùng thuốc súng bên mồi lửa. Đang thụ chức tri huyện huyện Phong Doanh (Nam Định), Lương Quy Chính được vua thăng tri phủ, cử tới Nho Quan thay thế.

Đến nơi, cụ lập tức đi thăm thú dân tình để tìm hiểu nguyện vọng của dân, thi hành một loạt biện pháp nhằm cải thiện cuộc sống của dân, làm cho nhân dân no đủ, nhờ vậy mà mầm loạn bị triệt tiêu. Từ tri phủ Nho Quan, cụ lần lượt được cử làm án sát Ninh Bình, bố chính Thanh Hoá, tuần phủ Lạng Sơn rồi tuần phủ hai tỉnh Lạng- Bằng ( Lạng Sơn, Cao Bằng)…

Tình hình biên giới phía Bắc nước ta hồi ấy vô cùng phức tạp. Tàn quân Thái Bình thiên quốc bên Tàu tràn sang, tập hợp dưới cờ vàng của Hoàng Sùng Anh, cờ trắng của Bàn Văn Nhị… cướp bóc, chém giết nhân dân các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên rất tàn khốc. Từ Văn Giai, Lương Quy Chính được chuyển sang võ bị, sung chức Tán lý quân vụ đem quân dẹp bọn này. Dưới sự chỉ huy của cụ, những toán giặc lần lượt bị dẹp tan, biên giới trở lại bình yên.

Nhờ thành tích ấy, cụ được giao phụ trách quân thứ Thái – Ninh (Thái Nguyên và Bắc Ninh), kéo quân về bảo vệ thành Bắc Ninh đang bị giặc Pháp uy hiếp. Quân Pháp vượt sông Hồng tấn công Gia Lâm, Lương Quy Chính kịp thời đưa quân từ Bắc Ninh đến ứng cứu, làm giặc phải bật trở lại Hà Nội. Bị quân ta xiết chặt vòng vây, tướng giặc Henri Riviere đưa quân nống ra phía Tây, kết quả là bỏ mạng tại Cầu Giấy…Câu đối “Nam phi Bình bất chính, Bắc phi Chính bất bình” ( Miền Nam không có Vũ Trọng Bình, miền Bắc không có Lương Quy Chính thì không có bình yên) được truyền tụng là do vua Tự Đức làm, đã nói lên một phần công lao của cụ.

Dưới thời vua Hàm Nghi, cụ làm thương biện rồi thăng tuần phủ Nghệ An, thăng tiếp kinh lược Thanh- Nghệ- Tĩnh. Thời Đồng Khánh, từ chức Tham tri , cụ được thăng Thượng thư Bộ Hộ. Đồng Khánh mất, cụ cùng một số đại thần tôn vua Thành Thái lên ngôi. Thành Thái là người có tư tưởng chống Pháp, có chí khôi phục lại giang sơn. Biết tài cụ, ngoài chức thượng thư Bộ Hộ, nhà vua còn giao cho cụ một loạt chức vụ khác như kiêm quản Đô Sát viện, Cơ mật viện đại thần, Khâm sai đại thần. Người Pháp biết rất rõ về vị vua này cũng như viên đại thần này, thấy nếu để “ vua ấy, tôi ấy” bên nhau thì nhất định sẽ “có chuyện”. Vì vậy họ đã tìm mọi cách ép vua Thành Thái phải cho cụ Chính về hưu, và chỉ mấy tháng sau, vua Thành Thái cũng bị phế truất, đày đi ngoại quốc…

Hưu mà không nghỉ, dù tuổi lúc đó đã bẩy mươi. Vấn đề cuộc sống của người dân Thái Bình, từ lâu, vẫn làm lòng cụ nặng trĩu ưu tư. Với dân số ngót một triệu người, Thái Bình được coi là tỉnh đông dân nhất xứ Bắc Kỳ hồi ấy. Thiên tai và úng lụt luôn luôn đe doạ vùng “đất nhiều gò” (đa cương hương) này.

Chỉ điểm qua một vài con số đã thấy sự khủng khiếp của nó : năm 1883, huyện Tiền Hải bị sóng thần tàn phá. Năm 1893, một trận lụt lớn dìm cả tỉnh trong biển nước. Bốn năm sau, trận bão năm 1897 tàn phá hầu hết các công trình thuỷ lợi được xây dựng nhiều đời trước đó. Rồi những trận bão khủng khiếp năm 1903, 1913…đều cướp trắng mùa màng của hàng chục vạn người dân…đồng đất hầu hết đều động mưa là úng, động nắng là hạn, phần lớn chỉ cấy được một vụ. Đời sống của dân rất bấp bênh.

Muốn cuộc sống no đủ, phải biến được đồng đất từ một vụ thành hai vụ. Phải tiêu được nước đi khi úng và dẫn được nước vào khi hạn, nghĩa là phải có một hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh. Vốn là “một vị quan đáng kính trọng, am hiểu công việc nhà nông, nắm vững vấn đề dẫn thuỷ nhập điền” ( lời ca ngợi của toàn quyền Đông Dương Pasquier), vừa về nghỉ tại quê nhà, vị nguyên Thượng thư Bộ Hộ Lương Quy Chính đã cùng với các quan đầu tỉnh đi khảo sát thực tế, lập kế hoạch xây dựng các công trình thuỷ lợi như đê, đập, cầu cống…

Chính cụ đã thiết kế, lập kế hoạch, xin tài chính, điều nhân công và trực tiếp chỉ huy việc đào sông Sa Lung, một con sông nằm ở Bắc Thái Bình, khởi nguồn từ thượng nguồn sông Luộc, dài gần 40km, qua các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng, Đông Quan, nối với sông Hoài ( Thái Ninh) rồi đổ vào sông Trà Lý. Ngoài ra còn 11 nhánh khác nối với sông Tiên Hưng, sông Trà Lý. Tổng cộng phải đào tới 1,1 triệu khối đất. Công việc kéo dài suốt 5 năm (1896- 1900 ) mới hoàn thành.

Quanh chuyện đào sông này, ngày nay người dân Thái Bình còn truyền tụng một chuyện về đức liêm khiết, ngay thẳng, chí công vô tư của cụ. Theo thiết kế, thì dòng sông sẽ đi qua khu ruộng có mộ tổ ba đời của cụ. Sắp đào đến nơi, quan chức sở tại xin cụ cho dòng sông lượn chệch đi. Cụ đáp :

- Ta biết xót phần mộ tổ tiên ta. Vậy người khác không biết xót hài cốt của cha ông họ hay sao? Cứ theo thiết kế mà làm.

Không ai dám nói gì nữa . Đào đến phần mộ tổ của cụ, thấy một dòng nước đỏ như máu chảy ra. Các quan lại phải xin ý kiến cụ. Cụ nghiêm mặt :

- Không được làm rối kỷ cương phép nước.

Mọi người chỉ còn biết thi hành. Vì câu chuyện này mà sông Sa Lung được dân gọi là Trực Giang, lại còn tên khác nữa là sông Thượng Hưng ( sông do cụ Thượng thư làng Hưng đào). Con sông này đã làm giảm hẳn nạn vỡ đê sông Hồng ( từ năm 1892 đến năm 1894 , đê bị vỡ 5 lần, sau khi sông Sa Lung hoàn thành vào năm 1900, cho đến năm 1913, chỉ một lần vỡ), biến hàng chục ngàn ha đồng đất Thái Bình từ một vụ thành 2 vụ.

Theo Sở Công chính Bắc Kỳ, thì diện tích đất canh tác được hưởng lợi từ con sông này là 42.010ha (cả tỉnh Thái Bình hiện nay có trên 80 ngàn ha đất canh tác), chưa kể một nguồn lợi lớn khác là giao thông vận tải. Cùng với việc đào sông Sa Lung, Lương Quy Chính còn tham gia đào sông Kiến Giang, một con sông khác ở phía Nam Thái Bình. Hai con sông ở hai nửa Bắc- Nam này được ghép vào nhau bởi một hệ thống công trình thuỷ lợi khác, có tới 400 cống nước, đã giải quyết căn bản được vấn đề thuỷ lợi ở Thái Bình, triệt tiêu được úng, hạn, biến Thái Bình thành vựa lúa lớn nhất miền Bắc…

Cụ Thượng Hưng vĩnh biệt cõi đời, cho đến nay đã tròn một thế kỷ, nhưng hai dòng sông Sa Lung và Kiến Giang thì vẫn còn chảy mãi. Được tin cụ mất, toàn quyền Đông Dương Pasquier đã thốt lên “ người đạo đức cũng giống như cây trầm hương, khi bị chặt đi đã làm cho lưỡi rìu cũng thơm tho”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất