| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận khắc khoải chờ mưa!

Thứ Tư 11/04/2018 , 14:50 (GMT+7)

“Nắng nóng như ri, người còn héo khô huống chi cây. Dân quê chủ yếu sống bằng nghề chăn cừu. Từ đầu năm tới giờ nắng hạn liên tục mà chẳng có mưa. Cứ đà này thì dễ chết hết đàn cừu.

10-08-51_4
Không có nước, đất đai ngày càng bị sa mạc hóa

 Dân lại khổ cực trăm bề”, bà lão tên Lành khắc khoải nói khi nhìn xuống chân ruộng đã nứt toác những đường nứt tử thần.

Cặm cụi, bà lão cắt những chân cỏ đang khô cháy gom lại từng bao mang về. Những giọt mồ hôi cố vắt ra từ người nhỏ xuống chưa kịp chạm mặt đất đã vội vã hóa khí bay về trời. Thấy đấy, đau lắm mà cứu không đặng. Vì người còn không có nước huống gì cây cỏ, huống gì đàn cừu. Thôi đành cứu người trước. Nhưng trời nào có thương, cứ nắng hoài nắng mãi, cây chết, cừu chết, rồi người cũng sẽ chết.

Nhiều hộ nuôi cừu nơi đây cho biết, năm nay hạn hán còn gay gắt hơn năm đại hạn 2015. Dù mới chớm mùa khô, song tại tỉnh Ninh Thuận nắng nóng đã hừng hực đến khó chịu. Nhiều hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn đã cạn kiệt. Nguy cơ hạn hán trên diện rộng có thể xảy ra.

Hiện tại, hồ Ông Kinh (huyện Thuận Bắc) đã cạn kiệt, hồ Phước Nhơn (huyện Ninh Hải) chỉ còn xấp xỉ 50.000m3, hồ Tà Ranh (huyện Ninh Phước) chưa đến 140.000 m3 nên Sở NN- PTNT tỉnh không có kế hoạch sản xuất vụ HT ở những vùng này, mà dành nước uống cho gia súc, trong đó có các đàn cừu Ninh Thuận.

Hồ chứa nước Ông Kinh trên địa bàn đã cạn trơ đáy. Để lấy nước, nông dân đã bỏ hàng chục triệu đồng khoan giếng dưới lòng hồ hàng chục mét, dùng máy bơm đưa nước về, nhưng chỉ được vài bữa lại hết nước.

Nắng nóng kéo dài, mưa ít và lưu lượng nước về giảm bất thường. Thảm thực vật xung quanh hồ chứa bị khai thác triệt để chỉ còn đồi trọc. Nước ngầm, theo đó cũng ít đi và chẳng còn nước để dự trữ trong hồ cho việc cứu cây, cứu người nữa. Nắng, nóng, khô hạn, thiếu nước khiến đời sống của hàng triệu hộ dân ở đất miền Nam Trung bộ này càng trở nên cùng cực hơn.

 Lúa trồng để cho người ăn thì nay đành cắt cho bò ăn thay cỏ, mía trồng rồi đem làm củi đốt vì khô còn hơn củi phơi giữa mùa nắng, mỳ, các loại nông sản người dân trồng cũng cùng chung với một số phận không thể khác: chết khô chết khát! Và, mặc kệ sự cố gắng của người dân, cừu cứ chết. Có trại trong ngày có tới một phần tư đàn cừu lìa đời.

10-08-51_5
Những khoảnh savan cũng đã chết cháy vì khô hạn và nắng nóng

Theo ngành NN- PTNT 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng sa mạc hóa là do tác động trực tiếp của gió mùa, đặc biệt là gió mùa đông bắc, tạo nên hiện tượng cát bay. Mặt khác, việc thiếu hệ thống rừng vành đai chắn gió khiến cát dễ dàng tràn lấp lên những khu vực canh tác, các khu dân cư tập trung hoặc tạo nên những cồn cát mới…

Chi cục trưởng Chăn nuôi- Thú y Ninh Thuận Trương Khắc Trí cho biết, toàn tỉnh có hơn 120 nghìn con cừu. Trong bối cảnh này, đơn vị đã cử cán bộ xuống địa bàn để kiểm tra, xác minh tình trạng cừu chết. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi dùng biện pháp dự trữ, bảo quản nguồn thức ăn; hạn chế việc tái đàn và nên bán bớt gia súc đến tuổi bán thịt cũng như di chuyển đàn từ nơi khô hạn đến nơi có nguồn nước, nguồn thức ăn để vượt hạn.

Nhìn những đàn cừu gục chết bên đồng cỏ khô khát mà không cứu được, những người chăn cừu du mục lặng lẽ đi về giữa cái nắng ban trưa đầy lam lũ mà quặn lòng. Giọt nước mắt trên khuôn mặt họ già nua chưa kịp lăn xuống gò má đã tan biến mất. “Hạn quá!”, người chăn cừu du mục lắc đầu rồi lầm lũi bước về. Ai cứu được người, ai cứu được đàn cừu bây giờ.

Có lẽ những người chăn cừu ấy, như muôn vạn người nông dân khác vốn chẳng thể hiểu được lý do vì sao ông trời làm khô đất, khô người đến thế. Chỉ biết rằng mùa khát này, và sau đó sẽ là mùa thất bát, mùa đói. Một viễn cảnh không phải xa vời mà ngay trong sự lo lắng của người dân.

 

Xem thêm
Tiểu vùng sông Mê Kông hợp tác quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới

Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS lần thứ 10 diễn ra với chủ đề ‘Hướng tới kết nối thông suốt vì một tiểu vùng Mê Kông hội nhập’.

Hơn 1000 cán bộ quản lý đê chuyên trách chưa được hưởng ưu đãi nghề

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT khẳng định, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều giữ vai trò quan trọng trong việc xử lý sự cố, giữ an toàn hệ thống...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.