Phun tiêu độc, khử trùng phương tiện ô tô đi vào vùng dịch ở huyện Quảng Ninh
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình, từ ngày 13/7, trên địa bàn các huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ dịch cúm gia cầm xuất hiện trên một số đàn vịt.
Tiếp đó là các địa phương của huyện Bố Trạch, Quảng Trạch... Từ đó đến nay, các địa phương và ngành chức năng đã tiến hành bao vây dập dịch, tiêu huỷ gia cầm ốm, triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, dịch đang có nguy cơ lan rộng.
Đối với những đàn gia cầm nhiễm bệnh, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình phòng chống dịch. Tính đến ngày 7/8, toàn tỉnh đã tiêu huỷ gần 35.000 con gia cầm (trong đó, đàn vịt trên 31.000 con, gà, ngan gần 4.000 con). Đồng thời tổ chức tiêm phòng cho gần 650.000 con gia cầm trên 63 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố.
Theo đánh giá của cơ quan thú y, tại huyện Quảng Ninh dịch cúm gia cầm cơ bản đã được khống chế và huyện đang chỉ đạo các địa phương theo dõi để làm thủ tục công bố hết dịch. Tuy nhiên trong khu vực liền kề là huyện Lệ Thuỷ tình hình dịch cúm gia cầm vẫn còn kéo dài... Đặc biệt, tại 2 xã Trung Trạch, Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch) đã xuất hiện dịch cúm trên đàn gà và xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch) dịch cúm lây lan trên đàn vịt.
Ông Phạm Hòng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình cho biết: “Đến ngày 1/8, một số đàn vịt nuôi chạy đồng ở Cầu Hói, Cố Mễ Kê (thuộc xã Hoa Thủy); Cồn Hoang, Cầu Hội (xã An Thủy - Lệ Thủy) có hiện tượng ốm chết. Việc tiêm phòng dịch ở đây triển khai chậm, tại hai xã này, công tác chỉ đạo chống dịch chưa quyết liệt. Ngoài ra, công tác tiêm phòng ở huyện Quảng Trạch cũng khá chậm”.
Trước tình hình diễn biến dịch có chiều hướng phức tạp, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chỉ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra việc phòng chống dịch tại một số địa bàn đang có dịch. Sau khi kiểm tra tỉnh hình, ông Hoài đã yêu cầu Sở NN-PTNT nắm chắc tình hình cúm gia cầm để có biện pháp bao vây, tiêu huỷ, khống chế không để dịch lây lan. Cơ quan thú y có dự báo chính xác để tiêm phòng hết số vacxin Trung ương cấp cho tỉnh; địa phương nào làm không tốt, chậm trong việc triển khai tiêm phòng cần phê phán nghiêm khắc. Những địa phương nào đã hết dịch thì có thể làm thủ tục công bố hết dịch theo quy định.