Trong hai ngày 21 và 22/11, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh phối hợp Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lớp tập huấn với chủ đề: “Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương”.
Tại lớp tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức và kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm giá trị cao hơn, góp phần xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp; Sử dụng phụ phẩm ngành rau quả để sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng…
Ông Lâm Hồng Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh hiện là tỉnh có diện tích trồng sắn lớn thứ hai cả nước, với diện tích hơn 61.000ha, chiếm 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Ngoài ra, lúa cũng được xem là loại cây trồng truyền thống của tỉnh với diện tích gần 150 ngàn ha/năm (với 3 vụ). Nhờ nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như bã sắn, rỉ mật, bã mía, bã bia, lõi bắp… bà con nông dân đã chế biến ra nhiều sản phẩm hữu ích như phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc tận dụng triệt để phế phụ phẩm để tạo ra nguồn tài nguyên tái tạo là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp địa phương mà còn thúc đẩy sự phát triển hiện đại, thông minh và bền vững, đồng thời góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng bền vững.
“Lớp tập huấn được kỳ vọng sẽ giúp bà con ứng dụng hiệu quả các phương pháp vào thực tế, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới”, ông Lâm Hồng Thái nhấn mạnh.