Tại buổi tiếp, bà Manuela V. Ferro đánh giá những dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho nông dân, ngành lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác đã đạt kết quả tốt, giúp cải thiện năng suất, tiết kiệm nước…
Bà Manuela V. Ferro bày tỏ tin tưởng, việc triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ đem lại một số kết quả, trong đó giúp cuộc sống của nông dân được cải thiện. Cùng đó, có thể xem đây là mô hình điểm cho các nước trên thế giới.
Bà Manuela V. Ferro khẳng định WB sẽ tích cực triển khai, hỗ trợ nhân rộng sáng kiến đổi mới của Việt Nam.
Liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án của Bộ NN-PTNT cho biết tiến độ triển khai cơ bản khả quan và đón nhận những tín hiệu tích cực, tất cả các nội dung về thể chế, phần mềm, quy trình sản xuất, triển khai mô hình thí điểm… cơ bản cho kết quả tốt.
Các mô hình triển khai được người dân, đặc biệt là người tham gia đón nhận tích cực nhờ giúp giảm chi phí sản xuất từ 10 - 30%, giảm lượng nước tưới, giảm phân bón, thuốc BVTV và tăng lợi nhuận khoảng 20 - 30%.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình tín dụng phục vụ Đề án. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước với sự tham gia của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng các đối tác khẳng định nguồn lực cho vay phục vụ nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến không bị hạn chế, với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản nhất. Như vậy, nguồn lực phục vụ sản xuất và chế biến hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Dự án vốn vay WB đang được thực hiện khẩn trương, Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ liên quan xây dựng cơ chế thực hiện nhằm đảm bảo yêu cầu hình thành dự án, chỉ đạo tổng thể như đề xuất của WB và Bộ NN-PTNT.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, nhờ một số kết quả tích cực mà mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa đem lại, nhiều nông dân ở các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp rất háo hức tham gia hoặc đề xuất mở rộng dự án.
Bộ trưởng đề nghị WB xem xét, tìm kiếm nguồn vốn không hoàn lại nhằm làm tăng các ưu đãi khoản vay. Bộ NN-PTNT muốn đẩy mạnh yếu tố tuần hoàn trong Đề án này, theo đó đề nghị WB giới thiệu các mô hình tuần hoàn để phát huy hết những giá trị của Đề án.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn sự hỗ trợ của WB trong việc cử chuyên gia nghiên cứu cơ chế và thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp khi bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam đang ở mức thấp so với một số nước.
Đồng tình với Bộ trưởng, phía WB cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, bảo hiểm nông nghiệp đang trở nên ngày càng quan trọng. Trong đó, khu vực công và khu vực tư nhân đều chia sẻ vai trò của mình để cung cấp những giải pháp bảo hiểm cần thiết cho nông dân.
Về dự án “Chống chịu khí hậu và Chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL” (MERIT-WB11) nằm trong danh mục của 16 Dự án Mekong DPO đã được Chính phủ đồng ý huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện, Bộ trưởng đề nghị WB tiếp tục phối hợp và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ và 10 tỉnh đề xuất dự án trong suốt quá trình chuẩn bị.
Bên cạnh đó, đề nghị WB tiếp tục làm việc với các đối tác để cung cấp thêm khoản viện trợ không hoàn lại cho dự án của địa phương. Đây là nội dung rất quan trọng trong bối cảnh quy định của Chính phủ là chỉ sử dụng vốn vay cho các hạng mục đầu tư xây dựng công trình.