Ngày ông Lê Văn Thiệt bỏ bê cả 1 công ty to đùng đang ăn nên làm ra để quay về ngọn núi La Vuông nằm trên địa bàn xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định), đầu tư vào đó tiền tỷ làm nông nghiệp, người dân địa phương to nhỏ với nhau: Ông này đúng là “Thiệt ngông” rồi.
Ai cũng đặt dấu hỏi to tướng trước việc ông Thiệt làm. Thế mà bây giờ, cái sự ngông của ông Thiệt đã có câu trả lời!
Tháng 7/2004, cái tin ông Lê Văn Thiệt (SN 1962), Giám đốc Cty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, thuê lại hàng trăm ha đất của 1 nông trường nằm trên đỉnh núi La Vuông để làm nông nghiệp, người dân huyện Hoài Nhơn ai nấy trố mắt kinh ngạc. Trước xu thế ly nông, việc làm của ông quả là gây sốc. Sốc là thiên hạ thấy sốc, chứ với ông Thiệt thì đây là tâm nguyện của cả đời ông. “Tôi được sinh ra trong 1 ngôi làng nằm ngay dưới chân ngọn núi La Vuông. Từ tấm bé, đi học 1 buổi, 1 buổi tôi lên ngọn núi này thả bò. Gần gũi miết thành thân thuộc. Năm tôi 15 tuổi (1977), đứng trong nhà nhìn thấy trực thăng bay quần trên đỉnh núi, hỏi ra thì biết người ta đang thả bò giống xuống đỉnh La Vuông để thành lập trang trại bò. Ở trên đỉnh núi mà người ta cũng làm ăn được, nghe thấy mê quá. Cái chuyện làm ăn trên đỉnh núi La Vuông cứ ám ảnh tôi mãi”, ông Thiệt tâm sự.
Sự ám ảnh ấy chưa lúc nào rời xa ông Thiệt, kể cả khi ông đang cầm chịch 1 doanh nghiệp đang thăng tiến, cả thời gian ông bôn ba làm ăn tận nước Lào. Năm 2004, nghe thông tin UBND tỉnh Bình Định giải thể nông trường La Vuông, cho thuê lại đất. Ông Thiệt nghĩ đây chính là thời điểm ông thực hiện ước mơ của mình, nên xáp vào ngay. “Thuê đất ở La Vuông để làm nông nghiệp nhưng công việc ở công ty tôi vẫn chăm chút, bởi từ nay, mọi nguồn thu từ công ty sẽ được “rót” vào La Vuông”, ông Thiệt cho biết.
Ông Thiệt đang thuyết minh về khu du lịch sinh thái
Đỉnh núi La Vuông nằm trên độ cao hơn 600 m so với mặt nước biển, rộng mênh mông, chiếm phần lớn là những trảng đồi bằng phẳng trông như 1 thảo nguyên. Sau khi hoàn tất thủ tục thuê đất, ông Thiệt lập ngay dự án đa dạng hóa nông nghiệp. Ngay năm đó, ông Thiệt đầu tư 3 tỷ đồng để trồng gần 100 ha dứa nhằm cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nước hoa quả của tỉnh. Ngọn núi hoang vắng bỗng rộn ràng hẳn lên với hàng trăm nhân công làm việc mỗi ngày. “Khi tôi tiếp nhận vùng đất trên đỉnh núi La Vuông, hầu như các thiết bị cho ngành xây dựng của công ty đều đổ dồn về đây phục vụ. Tôi nghĩ, không có giao thông sẽ không làm được gì, bèn làm ngay tuyến đường dài 5 km từ chân núi lên đỉnh. Do máy móc thiết bị của nhà nên không biết kinh phí hao tốn bao nhiêu, nhưng mất tiền tỷ là cái chắc”, ông Thiệt nói.
Sau cây dứa, dự đoán tương lai tươi sáng của gỗ rừng trồng, năm 2006 ông Thiệt dốc toàn lực vào trồng rừng nguyên liệu giấy. Năm nào cũng trồng, từ đó đến nay, diện tích rừng keo ông Thiệt trồng đã đạt gần 400 ha. Bây giờ, những cánh rừng keo của ông đã cho thu hoạch “cuốn chiếu” mỗi năm hơn 20 ha. Năng suất bình quân 100 tấn/ha, với giá bán 1,1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí đầu tư thâm canh suốt chu kỳ khoảng 30 triệu đồng/ha và chi phí khai thác, mỗi ha rừng trồng còn cho ông lãi ròng khoảng 70 triệu. Thế nhưng ông Thiệt không “cưa đứt bán đoạn” gỗ khai thác được, mà khi đã có nguồn nguyên liệu, ông Thiệt nghĩ ngay đến khâu chế biến để vừa kiếm thêm lãi, vừa giải quyết thêm được việc làm cho người dân địa phương.
Nghĩ là làm, ông Thiệt xây dựng nhà máy chế biến dăm xuất khẩu có công suất 60.000 tấn/năm. Song hành với ý tưởng xây dựng nhà máy chế biến dăm, ông tính ngay việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định bằng cách đầu tư cho những hộ dân có đất lâm nghiệp để họ trồng rừng. Trong những năm qua, mỗi năm ông Thiệt đầu tư khoảng 2 triệu cây keo giống cho hàng trăm hộ dân ở các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Phú (Hoài Nhơn) và các xã lân cận thuộc huyện Hoài Ân để trồng rừng. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho những hộ trồng rừng nguồn kinh phí chăm sóc cho đến khi thu hoạch rồi sẽ thu lại bằng sản phẩm. Làm như vậy, nhà máy chủ động được nguồn nguyên liệu, người trồng rừng có cơ hội đeo đuổi nghề, bởi đầu tư cho 1 ha rừng suốt chu kỳ 6 - 7 năm mất từ 25 - 30 triệu đồng, sức nông dân không gánh nổi”, ông Thiệt nói.
Ngoài trồng rừng SX, ở những vùng đất có bình độ dốc dưới 45 độ ông Thiệt cho trồng các loại cây ngắn ngày như chè và rau quả. Những vùng đất có độ dốc cao không phù hợp với cây trồng ngắn ngày thì ông cho trồng thông chắn gió. Riêng cái khoản nuôi heo rừng và gà ta thả rông trong rừng, ông Thiệt đã có khoản thu nhập đủ chi lương cho hàng chục nhân công thường xuyên bám trụ tại La Vuông để làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc những cánh rừng xanh ngắt. Không chỉ vậy, trong quá trình nhân công chăm sóc, khai thác rừng trồng, ông Thiệt còn giao cho họ công việc bảo vệ hàng trăm ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nằm quanh diện tích đất thuê của ông. Ông Thiệt giải thích: “Mặc dù bảo vệ rừng tự nhiên không thuộc nhiệm vụ của tôi, nhưng bảo vệ nó chính là bảo vệ cho dự án, biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái nông lâm nghiệp mà tôi sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2013 này. Đã là khu du lịch sinh thái nông lâm nghiệp mà rừng tự nhiên bị phá nham nhở thì phản cảm quá”.
“Hiện nay, mọi nguồn thu từ hoạt động xây dựng, khách sạn, những cánh rừng nguyên liệu giấy và từ nhà máy chế biến dăm xuất khẩu sẽ được dồn lại, đầu tư cho mục tiêu biến La Vuông thành khu du lịch sinh thái nông lâm nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thiệt, nói. |
Ông Trần Trung Miên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, cho biết thêm: “Trên núi La Vuông hiện có khoảng 140 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp liền kề với diện tích đất do ông Thiệt quản lý. Đây là vùng núi cao hẻo lánh, giáp ranh với nhiều địa phương khác trong tỉnh và cả với tỉnh Quảng Ngãi nên việc bảo vệ rất khó khăn. Trong những năm qua, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành kiểm lâm, Ban QLRPH huyện Hoài Nhơn và chính quyền địa phương, sự có mặt của Cty Thương Thảo cũng đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ tốt cánh rừng Núi Chúa”.
Ông Thiệt nói, ông đang để dành 1 vùng đất bằng phẳng nhất, đẹp nhất đỉnh La Vuông diện tích rộng 30 ha. Trên diện tích này ông phân thành từng vùng. Vùng đồng cỏ tự nhiên; vùng trồng rau sạch, trồng hoa; vùng làm hồ cá thiên nhiên; và vùng trồng cây cảnh quan... để ông thực hiện ước mơ biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái nông lâm nghiệp. Để thực hiện ước mơ này, cách đây mấy năm, ông đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi, thuê hẳn 1 cán bộ chuyên môn về khảo sát, sau đó cho xây dựng 1 hồ chứa nước rộng 4 ha và hệ thống kênh mương dẫn nước chạy ngang qua thung lũng dài hàng km, đưa nước vào ao nuôi cá và các vùng SX.