Bộ Công thương vừa phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu sang Liên minh châu Âu”. Chương trình hướng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các thách thức và thích ứng với các quy định và chính sách xanh, nắm bắt cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng tại thị trường EU.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), khẳng định, EU là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết tại COP26, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) trong việc định hình các chính sách bền vững, đồng thời chỉ ra những thách thức mới mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là từ Cơ chế Điều chỉnh Carbon Biên giới (CBAM) và Quy định Chống phá rừng (EUDR).
Để thích ứng với Thỏa thuận Xanh châu Âu, ông Jean-Jacques Bouflet cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao tính bền vững trong quy trình sản xuất, tối ưu hóa việc sử dụng nước và năng lượng, đạt được các chứng nhận quốc tế được công nhận, các yêu cầu tương lai liên quan đến báo cáo carbon.
EU đang cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ để giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang các thực hành bền vững, từ hỗ trợ kỹ thuật đến các chương trình tài trợ. Tham gia vào các chương trình đào tạo và hội thảo cũng có thể mang lại những hiểu biết quý giá về các thay đổi quy định và thực hành tốt nhất, giúp doanh nghiệp luôn đi đầu.
Ông Jean-Jacques Bouflet khẳng định, việc tuân thủ các tiêu chuẩn mới này không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cũng cho rằng các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt từ các rào cản ESG do EU áp đặt, bao gồm CBAM và EUDR. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế xanh, hướng tới một nền kinh tế ít phát thải, hiệu quả tài nguyên và bền vững.
Ông Laurent Lourdais, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh, để duy trì sự hiện diện trên thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo các tiêu chí về môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng châu Âu.
Ông Ömer Oktay, đại diện một công ty nhập khẩu từ Vương quốc Anh, đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu chuẩn xanh. Với nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường EU đối với các sản phẩm bền vững, Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác, từ nguồn nguyên liệu phong phú đến cam kết mạnh mẽ với phát triển xanh.
Theo đại diện của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dừa đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của châu Âu, công ty thực hiện chiến lược bền vững “Zero - Waste” tập trung mạnh mẽ vào ba "trụ cột" bao gồm: Môi trường, xã hội và kinh tế. Mỗi trụ cột đều nỗ lực không ngừng để hoàn thành sứ mệnh như sau: không phát thải, nâng tầm giá trị cây dừa, thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập.
Hiện Betrimex đang tập trung vào việc tận dụng toàn bộ giá trị của quả dừa, giảm thiểu lãng phí đến mức tối đa, đồng thời triển khai các dự án bù trừ carbon và năng lượng tái tạo. Betrimex cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thông qua các mô hình canh tác bền vững và số hóa, nhằm gia tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho cộng đồng nông thôn. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định vị thế của các sản phẩm dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.