Brazil đã thúc đẩy để thỏa thuận EU-Mercosur được ký kết vào cuối tháng này trong thời gian nước này giữ chức chủ tịch G20. Những nước ủng hộ thỏa thuận này, bao gồm cả nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, cho rằng thỏa thuận sẽ mở ra nhiều thị trường hơn cho hàng xuất khẩu của châu Âu.
Trong khi đó, Pháp, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, đã cố gắng thuyết phục các thành viên khác thành lập một liên minh phản đối thỏa thuận này.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels, Thủ tướng Pháp Michel Barnier cho biết: "Tôi đã nói với Tổng thống rằng Pháp không thể và sẽ không chấp nhận thỏa thuận này theo các điều khoản hiện tại".
Nông dân châu Âu cho rằng thỏa thuận với khối Mercosur (bao gồm Brazil, Argentina, Bolivia, Paraguay và Uruguay) sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm EU vì thỏa thuận này sẽ cho phép nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm không bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt mà nông dân châu Âu phải tuân thủ.
Khoảng 100 nông dân đã tập trung gần trụ sở Ủy ban Châu Âu với một máy kéo mang biểu ngữ "Dừng thỏa thuận EU-Mercosur".
"Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã đấu tranh phản đối hiệp định thương mại tự do, dựa trên sự cạnh tranh và thực sự không cung cấp giá cả hợp lý cho nông dân", Edu H. Nualart, một nông dân Tây Ban Nha hiện đang sống ở Hà Lan, người tham gia cuộc biểu tình cho biết.
Tại Pháp, các nhóm nông dân đang lên kế hoạch biểu tình trên khắp đất nước vào ngày 18 và 19/11, khi các nhà lãnh đạo G20 sẽ họp tại Rio de Janeiro, Arnaud Rousseau, chủ tịch công đoàn nông nghiệp lớn nhất của Pháp FNSEA nói với các phóng viên. Ông Rousseau cho biết nông dân không có ý định chặn đường cao tốc như họ đã làm trong các cuộc biểu tình quy mô lớn hồi năm ngoái.
"Nếu chúng ta chấp nhận thỏa thuận này, đây sẽ là một thảm họa thực sự đối với nền nông nghiệp châu Âu và Pháp, khi điều kiện sản xuất của họ rõ ràng không đáp ứng bất kỳ tiêu chuẩn nào của chúng tôi", ông Rousseau nói.
Một vài nông dân đã bắt đầu các cuộc biểu tình nhỏ từ ngày 13/11, đổ phân bón ra đường sá ở thị trấn phía đông Chaumont.
Mùa màng bị ảnh hưởng bởi thời tiết và dịch bệnh gia súc bùng phát, cùng với bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6, đã khiến sự bất bình của nông dân Pháp tăng cao.
"Theo tình hình hiện tại, thỏa thuận này gây nguy hiểm cho thương mại công bằng và tương lai của hàng triệu nhà sản xuất Pháp, cũng như chuỗi nông sản phụ thuộc vào họ", Jean-Francois Guihard, người đứng đầu hiệp hội chăn nuôi Interbev, phát biểu với các phóng viên hôm 13/11.
Thỏa thuận EU-Mercosur sẽ cho phép nhập khẩu thêm 99.000 tấn thịt bò, 190.000 tấn đường, 180.000 tấn thịt gia cầm, 1 triệu tấn ngô.