Lâu nay, ngành gỗ chỉ lo XK mà khá lơ là với thị trường nội địa. Đến khi nhận thấy đồ gỗ ngoại đang tràn ngập thị trường trong nước, ngành gỗ mới giật mình ...
Theo Tổng cục Hải quan, XK đồ gỗ của nước ta trong năm 2012 có thể đạt kỷ lục mới là trên 4,6 tỷ USD. Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM (HAWA), đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường thế giới cho thấy, sức tiêu dùng đồ gỗ của thị trường nội địa Việt Nam vào khoảng hơn 2,5 tỷ USD, tức là bằng hơn 1 nửa so với giá trị XK. Do đó, tiềm năng của thị trường đồ gỗ nội địa là rất lớn.
Trong chuyên đề World Furniture Outlook 2011, Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL) của Ý đã xếp hạng 70 quốc gia về sản xuất và tiêu thụ đồ gỗ (xếp hạng này theo giá trị thị trường năm 2009). Theo đó, về sản xuất đồ nội thất, Việt Nam thứ 12. Về thị trường tiêu dùng đồ gỗ nội địa đứng thứ 22 và XK đồ gỗ đứng hàng thứ 6. Riêng doanh thu mảng nội địa là 2,23 tỉ USD.
Đánh giá của các cá nhân, tổ chức trong nước về thị trường gỗ nội địa thì thấp hơn. Chẳng hạn, Cty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, mức độ tiêu dùng đồ gỗ ở Việt Nam bình quân là 11 USD/người/năm, giá trị thị trường đồ gỗ nội địa hiện vào khoảng 1 tỷ USD/năm.
Mức tiêu thụ đồ gỗ như vậy là còn quá thấp so với các nước châu Âu, Mỹ (khoảng 100 USD/người/năm). Bởi vậy, tiềm năng tăng trưởng ở thị trường nội địa còn rất nhiều. Hiện tại, thị trường đồ gỗ nội địa đang có mức tăng trưởng khoảng 15%/năm, gần bằng mức tăng trưởng bình quân của XK trong mấy năm qua là 16%.
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng ngành gỗ lại đang thất thế trên thị trường nội địa. Ông Vũ Tiến Thập, GĐ Cty D’ Furni cho hay, hiện nay đồ gỗ Việt Nam đang bị đồ gỗ ngoại cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Trước hết là đồ gỗ Trung Quốc đang tràn ngập cả nước với giá rẻ. Thứ hai là mạng lưới showroom dày đặc của các công ty đa quốc gia. Và cuối cùng là những DN Việt Nam mua đồ gỗ từ các nước Ý, Nhật, Mỹ ... về bán trong nước.
Theo đánh giá của bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư (Cty Chứng khoán Bảo Việt), trên thị trường nội địa, nhóm sản phảm đồ gỗ nội thất đang bị lấn át bởi hàng ngoại nhập. Các tên tuổi lớn về bán đồ gỗ nội thất hiện nay trên thị trường nội địa như Phố Xinh, Nhà Đẹp, Nhà Xinh, Chi Lai ..., thì chủ yếu là bán hàng nhập từ nước ngoài. Một kết quả khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, trong năm qua, đồ gỗ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% doanh số trên thị trường nội địa, 80% doanh số còn lại thuộc về đồ gỗ ngoại.
Trong bối cảnh ấy, nhiều DN đồ gỗ, ngoài việc đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường XK, cũng đã thâm nhập bán hàng vào thị trường nội địa. Thời gian thâm nhập chưa lâu nhưng một số DN đã có được những thành công nhất định hay đã thấy được tương lại trên thị trường trong nước.
Ngoài ra, sự thiếu vắng những nhà phân phối chuyên nghiệp về đồ gỗ ở thị trường trong nước cũng đang khiến cho đồ gỗ Việt Nam còn khó đến được với người tiêu dùng. Ông Vũ Tiến Thập cho rằng “Hệ thống phân phối sản phẩm nội thất tại thị trường Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện, dẫn đến sự không đồng bộ, không nhất quán về phong cách và xu hướng tiêu dùng. Vì vậy, nếu DN nước ta nếu thiết lập được một hệ thống phân phối hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm, tìm cách đưa sản phẩm đến các khu đô thị, khu dân cư, về các tỉnh thì chắc chắn sẽ giữ vững được lòng tin của người tiêu dùng trong nước”. |
Chẳng hạn, Cty CP Tập đoàn gỗ Trường Thành, doanh thu năm nay dự báo vào khoảng 3.000 tỷ đồng thì doanh thu từ thị trường nội địa chiếm khoảng 40%. Cty Mifaco có doanh thu XK mỗi năm khoảng 250 tỷ đồng, và sau 3 năm thâm nhập thị trường nội địa, Cty này đang tự tin trong thời gian tới có thể đạt được doanh thu không thua gì XK.
Tuy nhiên, nhìn chung các DN gỗ vẫn đang rất lúng túng, khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường nội địa. Mà nguyên nhân chính nằm ở ngay sự đặc thù trong chế biến gỗ XK nước ta hiện nay.
Bởi phần lớn các sản phẩm đồ gỗ XK của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thiết kế của khách hàng nước ngoài. Khi vào thị trường nội địa, cần phải có những thiết kế riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước thì các DN lúng túng rõ rệt trong việc xác định mẫu mã, chủng loại sản phẩm … cho phù hợp. Đồ gỗ XK của Việt Nam thường được bán cho các nhà phân phối nước ngoài chứ không bán tới tận tay người tiêu dùng, do đó, các DN gỗ rất thiếu kỹ năng phân phối, bán hàng ở thị trường nội địa.
Vì những vấn đề trên, thị trường nhà ở trong nước vốn đóng góp tới 90% nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất nhưng các DN Việt Nam vẫn đang rất khó chen chân vào thị trường này.
Một nguyên nhân cũng quan trọng không kém là thiếu sự liên kết giữa các DN gỗ với các nhà thiết kế, các công ty xây dựng. KTS Hồ Lê Phương cho hay, khi một KTS nhận thiết kế nội thất một công trình nào đó, chủ đầu tư thường đặt vấn đề mua sản phẩm theo thiết kế ở đâu. Các KTS không biết sản xuất hay bán ở đâu để trả lời, nên đành phải chỉ ra các cửa hàng đồ gỗ, mà chủ yếu là hàng ngoại như Trung Quốc, Malaysia …