Nông dân Đắk Nông đang phát triển nóng diện tích chanh dây, vượt quy hoạch gấp 3 lần
Lại chạy theo phong trào
Trong năm 2016, tại Đắk Nông, giá chanh dây có lúc lên đến 56.000 đồng/kg, cơn sốt trồng chanh dây lan rộng khắp tỉnh. Tại các xã Quảng Sơn, Đắk Ha (Đắk GLong); Thuận Hạnh, Thuận Hà (Đắk Song), rất nhiều hộ nông dân đã tranh thủ trồng chanh dây cả vào vườn tiêu đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Anh Nguyễn Phú Cường, thôn 2, xã Quảng Sơn, có 1,3ha tiêu giai đoạn kiến thiết, chứng kiến giá chanh dây được thương lái thu gom từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 35.000 đồng/kg, người trồng lãi lớn. Tháng 4/2016, anh Cường vội vàng phát dọn vườn tiêu, mua dây giống, kẽm, trụ về trồng chanh dây. Đến thời điểm hiện tại, vườn chanh dây của anh đã cho thu hoạch nhưng giá bán chỉ 6.000 – 7.000 đồng/kg.
Giờ anh Cường mới ngẫm ra: “Hễ thời điểm nào diện tích và sản lượng chanh dây ít thì thương lái thu mua quả với giá cao; còn khi diện tích, sản lượng tăng một chút thì giá giảm nhanh chóng”.
Giá chanh dây đang giảm nhanh chóng
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Nông, tháng 7/2016, diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh là 485ha, nhưng đến tháng 9 đã lên 892ha, tăng trên 300% so với kế hoạch. Không chỉ người dân Đắk Nông ồ ạt trồng chanh dây mà các tỉnh khác diện tích cũng tăng nhanh. Thống kê của Cục BVTV, tính đến tháng 7/2016, tại Gia Lai có 1.323ha chanh dây, Lâm Đồng 656ha, Đăk Lăk 139ha... |
Chẳng hạn như thời điểm giữa năm 2009, quả chanh dây có giá từ 9.000 đồng/kg bỗng tăng vọt lên 22.000 đồng/kg, nhưng sau đó không lâu đột ngột giảm xuống chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn. Năm 2013, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha chanh dây (riêng huyện Đắk R’lấp có tới 600ha), nhưng ngay sau đó, nhiều hộ dân phải chặt bỏ vườn cây vì giá chỉ còn 2.000 đồng/kg.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Thực tế trồng chanh dây ở Đắk Nông cho thấy, đa số nông dân chạy theo thời vụ, tập trung phát triển nóng diện tích nhưng lại thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiện tại, nhiều diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh đã bị nhiễm bệnh bã trầu, lở cổ rễ, nhiễm virus.
Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh Đắk Nông, chanh dây có đặc điểm cần lưu ý, đó là nhạy cảm với virus. Việc tăng nhanh về diện tích sẽ kéo theo nhiều mối nguy hại, bởi đây là loại cây rất dễ mắc các nguồn bệnh như: nấm bã trầu, phấn trắng, nấm gốc, xoắn đọt…
Cùng với đó là việc người dân tự ý cấy ghép, nhân giống sẽ tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho chanh dây. Đặc biệt, người dân đổ xô phá bỏ các vườn cây công nghiệp lâu năm sẽ làm thay đổi cơ cấu diện tích cây trồng trong tỉnh.
Trước tình hình sâu, bệnh xảy ra đối với cây chanh dây, Chi cục BVTV Đắk Nông đã gửi 5 mẫu để Cục BVTV kiểm tra thì phát hiện có 4 mẫu nhiễm virus. Virus trên chanh dây lây lan nhanh, thông qua các loại côn trùng chích hút, không có thuốc phòng trị mà chỉ có một cách duy nhất đó là tiêu hủy. Chanh dây giai đoạn phát chồi thì côn trùng chích hút khá nhiều, nhất là bọ trĩ và các loại rệp. Nguồn giống không bảo đảm, ủ sẵn mầm bệnh cũng làm gia tăng virus lây lan tại các vườn.
Bỏ ngỏ chất lượng giống “Người ta sử dụng hàng ngàn thùng giả, đóng “mác” giống nhập từ Đài Loan về để bán, nông dân làm sao biết được giống thật hay giả. Giống đúng tiêu chuẩn phải sản xuất trong nhà lưới dày có 2 lớp cửa, bảo đảm cây sạch bệnh. Thế nhưng việc kiểm tra chất lượng tại các cơ sở bán giống hiện nay còn bỏ ngỏ”, bà Phạm Thị Quê, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Tia Sáng (Gia Nghĩa - Đắk Nông). |