Sáng 28/11, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH ASHUI tổ chức Tọa đàm và trưng bày hình ảnh “Hợp tác để xanh hơn - Chuyển đổi đô thị xanh - Từ Đan Mạch đến Việt Nam” tại Nhà Hữu Vu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Sự kiện là một phần trong chuỗi hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh vào tháng 11/2023. Tọa đàm còn là cơ hội quý báu để hai nước thảo luận về quá trình chuyển đổi đô thị xanh, tập trung vào việc giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Tăng trưởng kinh tế ấn tượng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng, bao gồm ô nhiễm không khí, mật độ giao thông cao, khan hiếm nguồn cung nước, quản lý rác thải và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt ở các khu vực đô thị và công nghiệp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 60.000 ca tử vong tại Việt Nam liên quan đến ô nhiễm không khí, gây giảm tuổi thọ trung bình khoảng 1,4 năm.
Chất lượng không khí tại Việt Nam đang ở mức đáng lo ngại, đặc biệt tại các khu vực đô thị và công nghiệp. Theo báo cáo của IQAir, Việt Nam xếp hạng 22 trong số các quốc gia có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Đặc biệt tại thủ đô Hà Nội, chỉ số AQI thường xuyên ở mức 151-200 (Có hại cho sức khỏe).
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. Khi thế giới chuyển mình hướng đến một tương lai xanh hơn, các thành phố đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ths.KTS Nguyễn Hoàng Phương, chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc tại Việt Nam, chuyên gia cấp cao tại NetZero.VN, chia sẻ, Việt Nam vẫn còn nằm trong số các nước đang phát triển. Việc đo lường chất lượng không khí, khối lượng khí thải từ nhà máy và phương tiện giao thông vẫn còn khó khăn, do Việt Nam chưa sở hữu công nghệ tân tiến như các nước phát triển khác. Vì vậy, Việt Nam cần phải đặt ra mục tiêu cụ thể, cũng như hướng đi riêng để có thể chuyển đổi đô thị xanh, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện công nghệ, cơ sở hạ tầng.
Ông Phương cũng đưa ra một số phương án nhằm giảm thiểu khí thải, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đô thị xanh như, thắt chặt luật giao thông đường bộ, áp dụng thu phí các phương tiện tư nhân có nhu cầu di chuyển vào khu vực nội thành. Từ đó hạn chế tối đa sức tải giao thông đô thị, đồng thời giảm thiểu khí thải CO2 sinh ra từ ô tô và xe máy. Nguồn vốn thu được từ phí giao thông sẽ được sử dụng để phát triển các loại hình di chuyển công cộng như xe buýt, các điểm cho thuê xe đạp hoặc đường tàu điện. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hạn chế sử dụng lò than, đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành Hà Nội.
Bà Henriette Vamberg, Giám đốc Điều hành và Đối tác tại Gehl Architects, đã đưa ra những giải pháp chuyển đổi đô thị xanh hiệu quả, được áp dụng tại một số quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là thủ đô của Đan Mạch, Copenhagen, nằm trong top 3 các thành phố bền vững và đáng sống nhất thế giới. Bà cho biết “Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra vừa táo bạo trên quy mô lớn, vừa mang tính chiến lược và cụ thể. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quá trình chuyển đổi đô thị xanh, và tôi rất mong được chia sẻ một số kinh nghiệm này với khán giả tại Hà Nội.”
Bà đem đến tọa đàm lần này những giải pháp thực tế như chuyển đổi không gian mở thành các công viên cây xanh và phố đi bộ, phục vụ cộng đồng dân cư trong khu vực. Để đạt được kết quả này, việc nghiên cứu kỹ về thói quen sinh hoạt, sử dụng không gian mở theo giới tính và độ tuổi của dân cư sinh sống xung quanh khu vực áp dụng chuyển đổi đô thị xanh là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cũn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và quản lý đô thị. Đây là những yếu tố quan trọng không thể tách rời, đảm bảo tính bền vững và khả thi trong mọi dự án.
Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cần thiết để tạo nên những môi trường đô thị đáng sống, khả năng thích ứng tốt và bền vững cho các thế hệ tương lai.