| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến Festival muối 2025

Làng muối Sa Huỳnh phát triển du lịch cộng đồng

Thứ Tư 04/12/2024 , 11:40 (GMT+7)

Phát triển du lịch cộng đồng giúp diêm dân làng muối Sa Huỳnh cải thiện thu nhập, góp phần giải bài toán ‘được mùa, mất giá’ tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Nghề làm muối ở Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) được hình thành từ thế kỷ 19 và được tiếp nối qua các thế hệ, gìn giữ đến ngày nay, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh. Với diện tích khoảng 105ha, cánh đồng muối Sa Huỳnh là một trong những vựa muối lớn nhất miền Trung, hiện, nơi đây có trên 300 hộ dân gắn bó với nghề này.

Đồng muối Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) rộng khoảng 105ha, với hơn 300 hộ dân gắn bó với nghề làm muối. Ảnh: L.K.

Đồng muối Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) rộng khoảng 105ha, với hơn 300 hộ dân gắn bó với nghề làm muối. Ảnh: L.K.

Tuy nhiên, cũng như ở nhiều địa phương khác, nghề muối hiện nay hiệu quả kinh tế không cao khi giá cả luôn bấp bênh. Ông Trần Cư (trú phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho biết, gia đình ông làm nghề muối từ lâu đời. Những năm qua, giá muối được thương lái thu mua thường lên xuống thất thường. “Có năm giá lên 4.000 – 5.000 đồng/kg, năm thì rớt xuống vài trăm đồng 1kg. Nhìn chung muối mà được mùa thì mất giá mà mất mùa thì được giá”.

Theo Hội Nông dân phường Phổ Thạnh, nguyên nhân của việc giá muối không ổn định là do đến nay, sản phẩm muối ở Sa Huỳnh chưa có nhiều doanh nghiệp thu mua số lượng lớn để chế biến. Trên địa bàn hiện chỉ mới có 1 công ty liên kết sản xuất với người làm muối nhưng số lượng tiêu thụ mỗi năm cũng chỉ khoảng 200 tấn. Trong khi đó, sản lượng muối hàng năm ở Sa Huỳnh khoảng từ 6.000 – 6.500 tấn. Lượng lớn sản phẩm còn lại đều được thu mua qua thương lái để đi bán dạo.

Trước thực tế này, nhằm nâng cao giá trị cho nghề làm muối Sa Huỳnh, vào đầu tháng 6/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ.

Dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ-Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF-SGP) tài trợ với tổng mức nguồn vốn gần 2 tỷ đồng. Hội Nông dân phường Phổ Thạnh được giao làm chủ dự án, thời gian thực hiện từ tháng 5/2024 -10/2025.

Hàng năm sản lượng muối ở Sa Huỳnh khoảng 6.000 - 6.500 tấn. Ảnh: L.K.

Hàng năm sản lượng muối ở Sa Huỳnh khoảng 6.000 - 6.500 tấn. Ảnh: L.K.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn đồng muối truyền thống, phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh và phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển muối truyền thống Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập mặn. Đồng thời, đưa Sa Huỳnh trở thành điểm đến trải nghiệm nghề muối, điểm du lịch học tập cộng đồng kết nối văn hóa Sa Huỳnh và các hệ sinh thái.

Ông Thái Thuần Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh cho biết, sau khi dự án được phê duyệt, đến tháng 7/2024, địa phương đã bắt đầu triển khai. Đến nay, phường đã thực hiện 2 nội dung trong chương trình là phân loại rác tại nguồn nhằm làm sạch muôi trường, đồng thời ươm trồng 1.000 cây con, phục hồi rừng ngập mặn để bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cũng như lọc nước cho đồng muối.

“Dự án này mục đích chính là bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm và phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực đồng muối. Vừa rồi, tại phường Phổ Thạnh cũng đã thành lập tổ hợp tác để phát triển du lịch. Bước đầu cũng đã có một số khách đến tham quan, học hỏi cách làm muối của người dân Sa Huỳnh. Hy vọng rằng, hướng đi này sẽ giúp bà con diêm dân nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập. Chứ làm muối theo cách truyền thống rất khó khăn vì bài toán đầu ra từ nhiều năm qua đến bây giờ vẫn chưa có giải pháp để giải quyết”, ông Lăng nói.

Những năm qua, diêm dân luôn đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá, thu nhập không ổn định. Ảnh: L.K.

Những năm qua, diêm dân luôn đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá, thu nhập không ổn định. Ảnh: L.K.

Việc bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại phường Phổ Thạnh hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó đặc biệt cần phải đầu tư, cải tạo lại hạ tầng ở đồng muối. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay, tuyến đê biển và đê ngăn, hệ thống thủy lợi đã bị xuống cấp, đường giao thông nội đồng bị sạt lở, lồi lõm cục bộ, cơ giới vận chuyển khó khăn, không bảo đảm việc vận chuyển vật tư, sản phẩm từ đồng muối ra trục đường chính.

Ông Trần Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, trước thực trạng hạ tầng đồng muối Sa Huỳnh xuống cấp, thị xã đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên bố trí nguồn vốn trung hạn để đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để từng bước phát triển du lịch cộng đồng ở làng muối lâu đời này.

“Tuy nhiên, đối với việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thì hiện nay chỉ có một số đơn vị tiếp cận nhưng nguồn lực đầu tư, phương hướng hoạt động chưa rõ ràng. Do đó, giải pháp mà thị xã đưa ra là kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư để phát triển không gian văn hóa, di chỉ Sa Huỳnh. Khi đó, đồng muối Sa Huỳnh sẽ là “vệ tinh” xung quanh làm đa dạng các địa điểm tham quan để thu hút khách du lịch. Như thế mới phát triển du lịch cộng đồng mới bền vững, giúp người dân làm muối cải thiện thu nhập được”, ông Sang nói.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).