Khẩu phần ăn là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi. Vì vậy, cải thiện khẩu phần ăn là một trong những giải pháp quan trọng để giảm phát thải trong chăn nuôi. Trong đó, tiềm năng giảm phát thải lớn nhất về cải thiện khẩu phần ăn là ở 3 loài vật nuôi gồm bò sữa, bò thịt và trâu.
Với lợn và gia cầm, nếu cải thiện được khẩu phần ăn bằng cách sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm phát thải, cũng có ý nghĩa nhất định trong giảm phát thải chung của ngành chăn nuôi, bởi lợn và gia cầm là vật nuôi chủ lực, với tổng đàn lớn, của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Một trong những giải pháp giảm phát thải từ thức ăn chăn nuôi đang được nhiều chuyên gia nhắc tới là thay thế một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng những nguyên liệu khác vừa đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, vừa có mức phát thải thấp.
Tại Hội thảo “Chăn nuôi bền vững ở Việt Nam: Kinh nghiệm và Giải pháp từ Saskatchewan, Canada”, do Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai và Văn phòng Saskatchewan (trực thuộc Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP. HCM), tổ chức, đậu hạt Canada đã được giới thiệu như là một nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng và giảm phát thải.
Theo TS William W. Riley, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Hiệp hội Đậu Canada, Canada có diện tích sản xuất đậu lớn, đạt 1,2 triệu ha vào năm 2023 với sản lượng 2,6 triệu tấn (2,21 triệu tấn đậu vàng, 364 nghìn tấn đậu xanh và 26 nghìn tấn các loại đậu khác). Đậu hạt Canada (peas) là nguồn cung cấp cả protein và năng lượng vừa phải, khiến nó trở thành nguồn nguyên liệu thích hợp trong hầu hết các chương trình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Đậu hạt Canada đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, có thể dùng thay thế khô đậu nành trong chăn nuôi gà thịt, gà đẻ, vịt và lợn ở nhiều nước. Ở Việt Nam, GS,TS Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, đã thực hiện nghiên cứu sử dụng đậu Canada trên lợn thịt.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, lợn vỗ béo ăn khẩu phần có đậu Canada thay thế cho khô đậu nành được cân bằng các axit amin như nhau sẽ cho tăng trọng, khả năng ăn vào, hệ số chuyển hóa thức ăn như nhau, thành phần thân thịt xẻ, chất lượng thịt như nhau ở tất cả các lô thí nghiệm.
Có thể sử dụng đậu Canada với tỷ lệ tới 32% trong khẩu phần vẫn cho kết quả tốt. Khi giá đậu Canada bằng 1/2 giá khô đậu nành thì hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, tiết kiệm từ 7-15% chi phí thức ăn. Đặc biệt, so với các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thực vật phổ biến như bắp, lúa mì, lúa mạch, khô đậu nành và khô cải ngọt (canola), đậu Canada có mức phát thải khí nhà kính thấp nhất.
Theo TS Steven Webb, Viện An ninh lương thực toàn cầu (ĐH Saskatchewan, Canada), Saskatchewan và Canada (trung bình) luôn có lượng phát thải khí nhà kính thấp nhất khi bao gồm các thay đổi về lượng CO2 trong đất, vì đất nông nghiệp ở đây lưu giữ CO2 ròng, trong khi tất cả các quốc gia khác đều có lượng phát thải CO2 ròng.
Đậu Canada, lúa mì, hạt cải ngọt … sản xuất tại Saskatchewan đều có mức phát thải khí CO2 trong quá trình canh tác thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Chẳng hạn canh tác đậu tại Mỹ có mức phát thải CO2 cao hơn tới 561% so với mức trung bình của Canada, trong khi mức phát thải của canh tác đậu Canada tại Saskatchewan thấp hơn mức trung bình của Canada tới 62%.
Việc giảm thiểu tối đa sử dụng phương pháp cày bừa là một trong những giải pháp quan trọng giúp cho canh tác đậu và nhiều loại cây trồng khác ở Saskatchewan nói riêng và Canada nói chung, có mức phát thải rất thấp.
TS William W. Riley cho biết, do khẩu phần chịu trách nhiệm một phần lớn tổng lượng khí thải trong thức ăn chăn nuôi, nên sử dụng đậu Canada trong thức ăn chăn nuôi để thay thế các nguồn nguyên liệu có dấu chân carbon cao hơn (ngũ cốc và các loại khô dầu), có thể giảm lượng khí thải nhà kính trong các sản phẩm thịt. Điều này phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp chăn nuôi đang hướng đến Net Zero.
Giảm phát thải là một trong những giải pháp hướng đem lại sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi. Theo PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, ĐH Nông lâm TP.HCM, chăn nuôi đang đóng góp 27% GDP của nông nghiệp Việt Nam. Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong những năm qua và đóng vai trò ngày càng quan trọng về an ninh lương thực. Chính vì vậy, một vấn đề được nhắc tới nhiều và hướng tới nhiều trong ngành chăn nuôi là phát triển bền vững.
“Sử dụng đậu Canada trong thức ăn chăn nuôi không chỉ giúp giảm phát thải cho chăn nuôi ở Việt Nam, mà còn đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, qua đó có thể giảm thiểu rủi ro về nguồn cung khi có những biến động bất lợi về giá cả, thị trường, logistics … trong bối cảnh chăn nuôi Việt Nam vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ.