| Hotline: 0983.970.780

108 vị anh hùng vỡ đồng hoang đất Cảng: [Bài 2] Chủ tịch CLB 'Hùng đen'

Thứ Tư 02/10/2024 , 08:18 (GMT+7)

HẢI PHÒNG To lớn khuỳnh khoàng và có làn da đen trũi nên Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ đại điền Hải Phòng có dáng dấp như một con gấu.

Anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng đi thăm ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng đi thăm ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ruộng xa nhất, cô đơn nhất, liều nhất

Bài liên quan

“Hễ đi đến đâu mà thấy mặt ai đen nhất chính là đại điền, đen hơn cả nông dân vì làm diện tích nhiều nên sáng tối đều trên cánh đồng. Ăn mặc bình thường thì xuề xòa chỉ có quần đùi, áo cộc nhưng ra ngoài ăn cưới vẫn phải quần dài áo sơ mi, đôi lúc chúng tôi cũng thấy tự ti vì ngoại hình thô ráp, vì làn da đen quá. Tuy nhiên anh chị em đại điền lại sống nghĩa tình, gắn bó với nhau, vả lại làm ra hạt gạo cho đời thì càng vui và ý nghĩa nên lại quên đi hết cả mọi sự tự ti, vất vả…”, anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) đại điền Hải Phòng trải lòng với tôi một lát trong căn chòi rồi thủng thẳng bước ra cánh đồng bao la trước mặt.

Giữa trời nắng chang chang, cái áo phông đỏ của anh trở nên nổi bật giữa cánh đồng lúa xanh ngằn ngặt. Hai tay vừa bới từng khóm lúa để kiểm tra sâu bệnh vừa vuốt dòng mồ hôi đang túa trào trên mặt, anh hào hứng kể về thuở khởi nghiệp đại điền của mình.

“Nhiều người không hình dung, hoạch toán được chi tiết thu chi, lỗ lãi của việc cấy lúa đâu anh. Tính tôi làm cái gì cũng muốn làm to. Khi đang làm cán bộ thị trường của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng tôi đã một phát thuê luôn 40ha đất của một dự án trồng ớt xuất khẩu bị bỏ hoang để cấy lúa, sau 2 vụ thì xin nghỉ hẳn việc”, anh Hùng kể.

Anh Trần Mạnh Hùng kiểm tra tình hình sâu bệnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Mạnh Hùng kiểm tra tình hình sâu bệnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong 108 đại điền ở Hải Phòng thì anh có nhiều cái nhất: Ruộng xa nhất, cách nhà ở quận Kiến An, TP Hải Phòng tới 30km; đơn độc nhất vì ở một mình tại cái chòi giữa cánh đồng không người thân, anh em, họ hàng hay làng xóm ở phía sau; liều lĩnh nhất khi khởi nghiệp đại điền năm 2015 là cắm ngay sổ đỏ của nhà vay 500 triệu đồng để thuê 40ha đất ở xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo với hợp đồng ký 5 năm/lần, giá 60kg thóc/sào (về sau rút xuống còn 30kg/sào).

Đã thế, đất dự án bỏ hoang 1 năm cỏ mọc um tùm, mương máng vỡ hỏng, chuột nhiều tới mức dùng bẫy bán nguyệt, dùng chó sục rồi đào thủ công mỗi buổi được 50 - 60kg mà chúng vẫn cắn phá lúa dữ dội. Thêm vào đó là ốc bươu vàng bò đen như cua đồng say nắng trên mặt ruộng, cấy sang đầu này thì đầu kia đã bị ăn trụi ngọn, phun thuốc diệt ốc chết kết thành bè, thành mảng.

Vụ đầu anh phải xử lý 3 lần thuốc diệt ốc mà vẫn mất 15% lúa, chuột cắn mất thêm 20% nữa nên chỉ thu được có 80 tấn thóc, lỗ 450 triệu đồng. Cũng may là cánh làm dịch vụ máy cày, cấy, bán phân bón cho anh nợ 1 vụ để có thể tái đầu tư. Vụ 2 anh bán thóc thu được 700 triệu đồng, cầm hòa. Vụ 3 thì bắt đầu lãi được 250 triệu đồng. Kể từ đấy có lúc hòa như năm 2020 dù bội thu nhưng giá thóc đang từ 7.000đ/kg bỗng đột ngột tụt xuống 5.300đ/kg, có lúc lãi được mỗi vụ 500 triệu đồng.

Cánh đồng rộng bao la của anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cánh đồng rộng bao la của anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm nông nghiệp như công xưởng đặt tơ hơ giữa trời, nông dân nhỏ lẻ vất vả một, đại điền vất vả mười. Vụ mùa năm 2018 khi lúa gặt lên tới bờ, phủ xong bạt thì mây đen sầm sập kéo đến. Đứng ngoài trời mưa tầm tã, anh khản cổ gọi các đơn vị thu mua nhưng không ai đến được, phải quây các bao thóc xung quanh lại như một cái lô cốt rồi ngủ ngay tại chỗ để trông, không màn, không chăn, chỉ gặm bánh mì và uống nước lọc.

Các bao thóc hấp hơi sờ vào nóng như người sốt nhưng trong lòng anh còn nóng hơn thế, nghĩ bất lực nên ăn không ăn được, ngủ không ngủ được. Phải sang đến ngày thứ ba thì núi thóc ấy mới được giải cứu. Vậy là năm 2019 anh quyết định đầu tư 500 triệu đồng mua một lò sấy công suất 30 tấn/mẻ để không còn phụ thuộc vào thời tiết nữa. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, 3 vụ nay lò sấy bị bỏ không bởi các doanh nghiệp thay vì mua lúa khô thì chỉ thu mua lúa tươi về tự sấy. Để chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh, năm 2020 anh mua 1 máy bay phun thuốc, là một trong những đại điền tiên phong trong việc này.

Năm 2023 giá thóc tăng kỷ lục, nếp thu mua tươi ngay tại đồng 10.000đ/kg, tẻ 8.000đ/kg, vụ xuân anh lãi được 600 triệu đồng, vụ mùa lãi được 400 triệu đồng. Vụ xuân năm nay, giá thóc xuống chút ít 500đ/kg nhưng anh lại chỉ lãi được 350 triệu đồng vì cơ cấu giống chưa hợp lý nên năng suất hơi thấp. Vụ này anh quyết định cấy mấy giống nếp xoắn, DH 12 và lúa Nhật DS1.

Quần áo phải cho vào bọc nilon thế này để chống thiêu thân bám vào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quần áo phải cho vào bọc nilon thế này để chống thiêu thân bám vào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trở lại căn chòi giữa đồng đã gắn bó nhiều năm, anh tâm sự, vợ làm bác sĩ, con còn nhỏ, họ hàng ở xa, làng xóm láng giềng không có ai để mà hậu thuẫn hay làm điểm tựa. Bởi thế ngoài làm ruộng anh phải tự nấu ăn, tự giặt quần áo. Vào mùa anh ở ngoài đồng 25 ngày/tháng, còn nông nhàn thì cũng ở 15 ngày/tháng.

Làm bạn với anh không gì khác là lũ ếch nhái, cào cào, thiêu thân cứ nhảy, bay ào ào vào lều mỗi lúc sáng đèn. Thiêu thân nhiều đến mức bay đầy vào quần áo rất ngứa ngáy khó chịu nên anh phải cất chúng vào túi nilon chứ không dám treo trên mắc.

Xót con, lo cho con suốt ngày thui thủi một mình ở ngoài cánh đồng, bố mẹ anh thường dặn, làm gì cũng phải giữ sức khỏe, anh chỉ cười, gật đầu cho họ yên lòng rồi lại trở về cánh đồng với những công việc thường nhật.

"Tôi chỉ mong sao..."

Xuất phát từ nhu cầu gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, năm 2021, CLB đại điền Hải Phòng được thành lập với 10 thành viên. Từ đó, CLB mỗi năm lại kết nạp thêm để hiện nay có 108 thành viên, trong đó khoảng 10 người có diện tích 30 - 40ha, còn lại phổ biến 10 - 20ha, tối thiểu theo quy định phải 5ha. Anh Hùng nhận về mình cái chức “ôm rơm rặm bụng” là Chủ tịch CLB nên thường xuyên đi tới nhà, tới cánh đồng của các thành viên để hỏi thăm tình hình cũng như tổ chức các cuộc họp, hội ý trực tuyến.

Đa số các đại điền đất Cảng ở độ tuổi 45 - 55, 70% sở hữu các loại máy như máy cày, máy gieo mạ, máy cấy, máy gặt, thiết bị bay không người lái (khoảng 15 - 17 thiết bị bat), họ chủ yếu trồng lúa, ngoài ra một số có kết hợp chăn nuôi gà, vịt.

Căn chòi nhỏ nhìn ra cánh đồng nơi anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng sống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Căn chòi nhỏ nhìn ra cánh đồng nơi anh Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng sống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo anh Hùng, lợi thế của đại điền là được sự quan tâm của các cấp, sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ với nhau, còn khó khăn là một CLB mang tính chất tự phát.

"Nếu huyện, xã đứng lên thuê đất hoang của dân rồi giao cho CLB quản lý, thuê lại theo hợp đồng ký 5 - 10 năm thì chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Ngày hôm nay mượn được nhiều đất, thuê được nhiều đất là đại điền nhưng ngày mai bị đòi thì chúng tôi lại chỉ là nông dân thôi. Để phát triển sản xuất lớn chúng tôi cũng cần vốn mua sắm các loại máy móc, thiết bị. Nhiều anh em trong CLB có kinh tế nhưng nhiều người vẫn còn vất vả, đầu tư một giàn máy phải vài tỉ đồng trong khi đó cơ chế hỗ trợ, tiếp cận cho vay vốn lại chưa có...", anh Hùng chia sẻ.

“Tôi chỉ mong sao Thành phố hay ngành nông nghiệp cho CLB đại điền Hải Phòng một đơn vị chủ quản, như Trung tâm Khuyến nông chẳng hạn để có thể báo cáo, đề đạt trực tiếp và để bảo trợ cho CLB. Hiện các địa phương đã rà soát diện tích đất hoang nhưng việc vào cuộc giải quyết là chưa có", anh Hùng mong muốn.

Xem thêm
Kỷ luật loạt cán bộ ở Tuyên Quang do liên quan Tập đoàn Thuận An

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Chẩu Văn Lâm.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cần thêm cơ chế cho các công ty thủy lợi để đảm bảo tiêu thoát nước

HẢI PHÒNG Hiện nay, các doanh nghiệp vận hành hệ thống thủy lợi cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả hoạt động, nhất là trong những đợt mưa bão lớn.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!