Âm thanh đầu tiên và cuối cùng ở làng
Người làng Phong Cầu 2 (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) bảo với tôi rằng, âm thanh đầu tiên trong ngày lúc 3 giờ sáng và âm thanh cuối cùng lúc 10 - 11 giờ đêm nghe thấy là tiếng xe 3 bánh của vợ chồng đại điền hơn 60 tuổi Nguyễn Văn Nam - Đỗ Thị Mỳ đi đánh chuột về.
Để được gặp họ, tôi đã nằn nì người con trai Nguyễn Xuân Hiệu chở ra đồng dù anh này khẳng định: “Một khi bố mẹ em đang ở trên đồng thì không ai có thể bảo về được”.
Quả đúng như vậy, ông bà mải phun thuốc sâu đến mức tôi không thể xen được vào dù chỉ là một phút. Giữa những chòm lúa cấy loi thoi, vàng vọt của dân là những mẫu ruộng bằng phẳng, xanh mướt của họ.
Ăn tối xong, ngồi chơi đến khuya thì anh Hiệu mới soi camera trên điện thoại, thấy đèn trong trang trại của bố mẹ bật sáng liền chở tôi đến. Ông bà vừa về, người còn mướt mồ hôi, lùa vội bát cơm trong căn nhà tạm giữa đồng, ba bề bốn bên là máy cày, máy cấy.
Ông Nam kể, năm 1993, gia đình đã mua cái máy cày tư nhân loại dắt tay 6 mã lực đầu tiên của huyện Kiến Thụy. Để có được 3 triệu đồng mua máy ông bà phải vay lãi 10%/tháng rồi lại bán lợn đi mua cặp bánh lồng. Từ khi có nó họ dễ dàng mở rộng thêm diện tích.
Khi làn gió công nghiệp thổi về làng, nhiều nông dân bỏ nghề đi làm công nhân, để lại những cánh đồng hoang, lau, sậy, dừa nước mọc như rừng cao tới 2 - 3 mét thì họ xin mượn đất để cấy. Có một giai đoạn chán cấy, họ bán máy cày, để lại ruộng cho người khác làm, ông chuyển nghề sang bán vật tư, còn bà thì chạy chợ.
Bà Mỳ rủ rỉ, vợ chồng lấy nhau đến cái bát mẻ cũng không có, phải trần mình ra cấy 1 mẫu lúa để lo cái ăn, cái mặc cho các con. Đến giai đoạn đã thoát ly nghề nông, ngồi bán hàng ở chợ bà nghe người ta kháo nhau về chuyện khắp nơi bỏ ruộng hoang thì lại tiếc, ý định cấy trở lại.
Có ông cán bộ ở xã bên biết được ý định đó liền rủ: “Bà cứ về xã tôi làm giấy cho mượn cả cánh đồng hoang rộng tới 30 mẫu”. Bà chối từ: “Tôi ở đâu thì sẽ làm đẹp cho quê hương ở đấy thôi ông ạ”. Bàn với chồng xong, họ vay ngân hàng mua 1 cái máy cày to về vỡ đất, mua 1 máy cấy loại dắt bộ rồi mượn 5 mẫu ruộng hoang để cấy.
Vụ sau 7 mẫu, những vụ sau nữa 10, 20, 30 mẫu… Thấy vợ chồng bà làm được người làng lại cho mượn thêm ruộng. Lúc này, nhiều đất quá, cái máy cày 15 mã lực không thể phá hoang xuể họ mới mua cái máy cày 34 mã lực rồi lại mua tiếp máy cấy 6 hàng thay thế cho 2 cái máy cấy đã bị tan vì đồng đất quá kém.
Nhà nông không thiếu gì việc, nhất là khi đã cấy cả trăm mẫu ruộng như ông bà nên 3 giờ sáng đã kéo xe ba gác đi đánh chuột đến 6 giờ về, ăn sáng xong, 7 giờ đi cắt cỏ, bỏ phân, 11 giờ 30 về nấu cơm trưa, ăn xong, nếu mát 1 giờ chiều, nếu nóng thì 3 giờ chiều lại ra đồng. Việc nhiều phải thuê thêm người nhưng chẳng mấy ai làm cho họ hài lòng cả. Bởi thế mà vợ chồng lại phải cố mà làm, nhiều lúc 10, 11 giờ đêm mới xong. Vào thời vụ trung bình mỗi ngày họ làm 14 - 16 giờ, mỗi tối chỉ ngủ 2 - 3 giờ, còn khi chưa đến thời vụ mỗi ngày họ làm 10 - 12 giờ, mỗi tối ngủ 4 - 5 giờ.
Có chiều bà Mỳ bị cảm, tối đi truyền nước, khuya lại đi đánh chuột, sáng hôm sau đi làm cỏ, tối hôm sau lại đi truyền nước tiếp. Nhìn thấy bà chân không bước nổi, mắt không mở ra được, bác sĩ phải lắc đầu: “Cháu trông bà như là không có sự sống nữa”. Bà trả lời: “Đã trót đâm lao rồi phải theo lao thôi cô ạ. Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”.
Một năm 365 ngày thì 364 ngày họ ở trên cánh đồng. Trên 10 năm nay ông bà không biết đến Tết là gì, vẫn gieo mạ, bơm nước, bơm thuốc ốc… Có khác chăng ngày mồng một họ về nhà trong làng, thắp hương cho ông bà tổ tiên, giao cho con đi chúc Tết họ hàng thay mình rồi lại quầy quả ra đồng.
“Chúng tôi cấy nhiều như thế này được 1 vụ thì lãi 350 - 400 triệu đồng, mất 1 vụ là lỗ 600 - 700 triệu đồng nên chỉ 2 vụ thất bại là mất sổ đỏ ngay”, bà Mỳ giải thích.
Trong hàng chục năm làm đại điền đã 1 vụ họ mất mùa hoàn toàn do vàng lùn xoắn lá. Hai vợ chồng tiếc công, tiếc của đến phát ốm, thề không cấy nữa nhưng vụ sau lại cấy nhiều hơn. 4 cánh đồng của họ hiện rải ra khắp đội 3, đội 5, đội 6, đội 7 với tổng diện tích 120 mẫu, đó là chưa kể đã phải bỏ mất vài chục mẫu vì mương máng bị chia cắt, nước không thoát được, kêu mãi mà chưa thấy sửa.
Nếu gục trên đồng chúng tôi cũng vui vẻ
Tôi hỏi cắc cớ rằng, làm nhiều như thế có lúc nào ông bà nghĩ đến chuyện sẽ gục trên cánh đồng không? Ông Nam điềm nhiên trả lời: “Không bao giờ tôi nghĩ đến tuổi hưu cả vì mình đang làm như thế này mà nghỉ là “mất hình” ngay”.
Còn bà Mỳ cười rồi đáp: “Nếu có gục trên cánh đồng tôi cũng chấp nhận vui vẻ. Còn khỏe là còn làm, bao giờ trời gạch sổ thiên tào thì tôi đi. Tôi mừng là trước đây thằng con trai không biết ra đồng, giờ đã xin tự cấy, tự chăm mấy chục mẫu ruộng riêng, không phải bố mẹ hỗ trợ như ban đầu nữa. Tôi cũng mong sao vay được ít vốn để đầu tư cái máy bay phun thuốc trừ sâu, cái máy gieo sạ vừa thả khóm vừa vùi phân, cái máy xát gạo bắn màu…".
Thế hệ thứ hai tiếp nối nghiệp đại điền của ông bà chính là người con trai Nguyễn Xuân Hiệu - Giám đốc HTX Kinh doanh Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Tiến Đạt. Đang làm đầu bếp trên thành phố anh quyết định trở về quê. Lúc đó lượng thóc mỗi vụ bố mẹ sản xuất ra cả vài trăm tấn, khi bán thường bị ép giá nên anh quyết định tự xát rồi đóng bao, chở xe máy tới các huyện chào hàng.
Khi sản phẩm tiêu thụ được anh mua 1 ô tô tải 2,5 tấn để chở hàng rồi mua 1 máy sấy tháp công suất 10 tấn/mẻ. Anh tâm sự: “Bố mẹ muốn trong vùng an toàn, không muốn đầu tư nhiều, sợ rủi ro nên chỉ lo phần sản xuất, còn em muốn làm lúa, sản xuất gạo theo công nghệ mới nên chấp nhận mạo hiểm”. Anh mạnh dạn áp dụng chuẩn VietGAP, tham gia vào mô hình khuyến nông mỗi vụ 7 - 10ha để được hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật cũng như dự tính, dự báo sâu bệnh, nâng tầm sản phẩm lên OCOP.
Trong quá trình chế biến anh từng gặp sự cố lò sấy tháp lỗi, hơn 100 tấn gạo bị gãy vụn thành tấm, phải bán thành thức ăn chăn nuôi, lỗ mất 300 triệu đồng. 2 năm sau, "lại sức" một chút, anh vay tiền mua 2 lò sấy tĩnh, 1 hệ thống xay xát công suất 6 tấn/giờ, 1 xe tải 7,3 tấn, mở rộng xưởng vốn là nhà riêng trong làng, tổng đầu tư mất hơn 3 tỉ đồng. Vận hành được một thời gian thì bị dân khiếu nại vì bụi, phải gỡ bỏ máy trong khi đó những thiết bị mới cái đặt về nằm ngổn ngang trong kho, cái còn chưa về bởi không biết chứa vào đâu.
“Giờ để làm một xưởng mới ở ngoài khu dân cư cần phải có diện tích tối thiểu 1.000m2 nhưng chưa có chính sách nào cho phép đại điền làm xưởng trên đất nông nghiệp nên em không dám”, anh Hiệu ấp ủ.