| Hotline: 0983.970.780

11 cầu thủ Việt Nam thắng UAE tại Asian Cup 2007 giờ ra sao?

Thứ Năm 14/11/2019 , 10:59 (GMT+7)

Đã 12 năm trôi qua kể từ chiến thắng lịch sử của Việt Nam trước UAE tại Mỹ Đình. Những con người năm xưa hầu hết đã giải nghệ và thay đổi nhiều trong cuộc sống.

Thủ môn Dương Hồng Sơn

Vượt qua Bùi Quang Huy và Nguyễn Thế Anh, Dương Hồng Sơn (sinh năm 1982) được chọn làm người gác đền số một của Việt Nam ở Asian Cup 2007. Thủ thành SLNA làm người hâm mộ quên dần hình bóng của đàn anh Trần Minh Quang trong khung gỗ bằng phản xạ xuất thần ở hai trận gặp UAE và Qatar tại vòng bảng, trước khi lên đỉnh vinh quang một năm sau, tại AFF Cup 2008. Hiện anh đã giải nghệ và bắt đầu sự nghiệp huấn luyện ở đội trẻ của CLB Hà Nội. Dương Hồng Sơn vừa dẫn dắt U21 tuyển chọn Việt Nam dự giải giao hữu U21 quốc tế ở Đà Nẵng.

Phùng Văn Nhiên (áo đỏ)

Hậu vệ trái Phùng Văn Nhiên

Cùng lứa với Dương Hồng Sơn, Phùng Văn Nhiên (sinh năm 1982) lên tuyển từ năm 2003 nhưng phải tới năm 2007 mới có suất đá chính. Anh hiện giải nghệ sau khi chia tay Hải Phòng, và chuyển hướng sang kinh doanh cafe ở Pleiku, Gia Lai. Văn Nhiên có hàng chục hecta trồng cafe ở phố Núi.

Hậu vệ phải Huỳnh Quang Thanh

Bàn thắng vào lưới UAE là một trong bốn bàn của Huỳnh Quang Thanh (sinh năm 1984) ghi cho tuyển Việt Nam, và nó cũng là pha lập công đáng nhớ nhất. Cú sút trái phá của hậu vệ phải mở toang cánh cửa đi tiếp cho thầy trò Alfred Riedl. Quang Thanh có lối chơi thông minh và sự nghiệp lẫy lừng, nhưng lại kết thúc sự nghiệp bằng án treo giò 2 năm sau scandal ở V-League 2017. Anh được giảm án, trở lại thi đấu trong năm 2018, và giải nghệ vào cuối năm. Hiện Quang Thanh làm bóng đá trẻ và tìm đam mê ở sân chơi phủi.

Huỳnh Quang Thanh (áo đỏ - số 16)

Trung vệ Nguyễn Huy Hoàng

Trưởng thành từ lò SLNA, Huy Hoàng (sinh năm 1981) được cho là kế thừa xuất sắc vai trò mà đàn anh Hữu Thắng để lại ở hàng thủ. Ở trận gặp UAE, Huy Hoàng làm cầu thủ tên tuổi Marta "tắt điện". Sau đó, anh giành hết thảy vinh quang cùng đội tuyển, nhưng sự cố phê thuốc năm 2013 khiến Huy Hoàng mất tất cả. Anh bị Cần Thơ cắt hợp đồng năm 2014, và giải nghệ sau đó, rồi trở về Nghệ An làm HLV đội trẻ U13, U14. Cuối năm 2017, Huy Hoàng được cất nhắc làm trợ lý HLV của SLNA

Trung vệ Vũ Như Thành

Giống Huy Hoàng, Vũ Như Thành (sinh năm 1981) là của hiếm ở hàng thủ Việt Nam giai đoạn thập niên 2000. Hơn người đồng đội đồng trang lứa, Thành "kếu" là thành viên vô địch AFF Cup 2008, nhưng anh cũng có cái kết không trọn với bóng đá khi lang bạt khắp các đội như Bình Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, An Giang, Tây Ninh, trước khi giải nghệ ở Phù Đổng năm 2017. Treo giày, Như Thành mở lớp bóng đá tại khu vực Hà Nội, và thỉnh thoảng làm BLV trên truyền hình.

Tiền vệ phải Nguyễn Minh Phương

Nổi lên từ SEA Games 22, Minh Phương (sinh năm 1980) có cái kết trọn vẹn nhất. Sau những giải đấu thăng hoa cùng đội tuyển, anh rời Long An năm 2010, gia nhập Đà Nẵng rồi treo giày tại đây năm 2015. Từ năm 2017, Minh Phương bắt đầu làm HLV, đầu tiên là của Long An, kế đó là Đà Nẵng. Tuy nhiên, anh không có nhiều dấu ấn và vừa phải nhường ghế cho Lê Huỳnh Đức ở đầu V-League 2019.

Tiền vệ trái Nguyễn Vũ Phong

Hồi dự Asian Cup 2007, Vũ Phong (sinh năm 1985) vẫn là cầu thủ trẻ. Giải đấu này, anh không nổi bật bằng các đồng đội. Người ta nhớ nhiều đến cú sút từ giữa sân tung lưới Malaysia ở AFF Cup 2008 của Vũ Phong hơn. Vũ Phong từ giã đội tuyển Việt Nam năm 2014 và là một trong hai cầu thủ đá chính ở Asian Cup 2007 còn thi đấu, bên cạnh Tấn Tài. Anh vừa đầu quân cho Bình Phước. Trước đó, hồi năm 2018, anh từng theo chân đàn anh Minh Phương làm trợ lý ở Đà Nẵng.

Tài Em (áo đỏ - số 19)

Tiền vệ trung tâm Phan Văn Tài Em

Tương tự Minh Phương, Tài Em (sinh năm 1982) nổi lên từ SEA Games 22 và được xem là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam. Anh chơi cần cù và kéo dài sự nghiệp tới khi 35 tuổi. Năm 2017, Tài Em giải nghệ trong màu áo đội bóng quê nhà Long An, sau đó làm HLV Sài Gòn vào năm 2018, trước khi ra đi. Tháng 5/2019, anh mở một lớp bóng đá trẻ tại Long An.

Tiền vệ trung tâm Lê Tấn Tài

Trong khi phần lớn các đồng đội đã giải nghệ hoặc rời bỏ bóng đá đỉnh cao, Tấn Tài (sinh năm 1984) vẫn bám trụ ở Bình Dương và hiện là đội trưởng đội bóng đất Thủ. Nếu tính cả cầu thủ dự bị ở trận gặp UAE cách đây 12 năm, chỉ có thêm Anh Đức còn chơi bóng V-League như Tấn Tài.

Tiền đạo Phan Thanh Bình

Nổi lên từ khi mới 17 tuổi, trong hành trình giành HCB SEA Games 22, Phan Thanh Bình (sinh năm 1986) lại là người rời bóng đá đỉnh cao sớm nhất. Sau khi phiêu phạt từ HAGL sang Long An rồi An Giang, Thanh Bình xuống chơi cho Đak Lak, rồi Mancons Saigon và giải nghệ từ năm 2016. Cũng trong năm này, cựu cầu thủ quê Đồng Tháp trở thành HLV. Anh thỉnh thoảng tham dự các game show truyền hình và là BLV thường xuyên của các chương trình bóng đá.

Lê Công Vinh (áo đỏ)

Tiền đạo Lê Công Vinh

Tiền đạo quê Nghệ An là người có sự nghiệp rực rỡ nhất trong số các thành viên năm 2007. Công Vinh (sinh năm 1985) giải nghệ năm 2016, ở Bình Dương, rồi sau đó làm Quyền Chủ tịch của TP HCM trong một mùa. Anh rời cương vị này vào tháng 5/2018, sau đó nhận lời làm dẫn chương trình cho một chương trình bóng đá truyền hình. Công Vinh hiện hưởng thụ cuộc sống viên mãn cùng vợ - ca sĩ Thủy Tiên.

Xem thêm
Việt Nam - những sắc màu di sản

Tối 22/11 tại Nhà văn hóa Lao động Nghệ An đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống với chủ đề 'Việt Nam – những sắc màu di sản'.

Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận