HLV Park Hang-seo nhậm chức HLV tuyển Việt Nam từ tháng 10/2017. |
Ngày ông Park Hang-seo nhậm chức, Việt Nam mới bị loại ở vòng bảng SEA Games 29. Thành tích đội tuyển kể từ sau chức vô địch AFF Cup 2008 không có gì nổi bật, ngoại trừ những thất bại khó hiểu trước Malaysia năm 2014, Indonesia năm 2016, và luôn bị át vía bởi “ông kẹ” Thái Lan.
Cái được duy nhất của Việt Nam thời điểm ấy chính là lứa Quang Hải vừa dự U20 World Cup 2017. Dù vậy, có rất nhiều hoài nghi dành cho Quang Hải cùng đồng đội, bởi trước đó vài năm, bóng đá Việt Nam cũng từng sản sinh ra lứa Công Phượng gắn liền với hình ảnh U19 Việt Nam.
Tuy nhiên, khi ông Park đến, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh vẫn chỉ là những tài năng trẻ chưa thoát khỏi cái mác thần đồng.
Thành công của bất kỳ HLV nào ở cấp đội tuyển đều gắn với một hoặc vài thế hệ cầu thủ giỏi. Với HLV Park, ông mạnh dạn đặt niềm tin vào những người chưa bước qua tuổi 23. Hai lứa cầu thủ được đánh giá cao nhất, của Công Phượng và Quang Hải, được ông thầy người Hàn Quốc sử dụng và đặt làm bộ khung chính cho đội tuyển.
Qua sự trui rèn từ vòng chung kết U23 châu Á 2018, Asiad 2018, thế hệ này trưởng thành và sau hai năm, họ làm lu mờ hoàn toàn những người từng là nòng cốt dưới thời HLV tiền nhiệm Hữu Thắng như Đinh Thanh Trung, Hoàng Thịnh, Văn Quyết, Thành Lương hay Vũ Minh Tuấn.
Cái tên cũ hiếm hoi trụ lại dưới thời ông Park - Trọng Hoàng - thực tế đã tự biến đổi vai trò từ một tiền vệ xuống hậu vệ cánh.
Thành công của ông Park tại Việt Nam, mà đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2018, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất có lẽ là sự kiên định của vị thuyền trưởng 60 tuổi. Nhiều lần, ông bị truyền thông trong nước đặt câu hỏi về chiến thuật, nhân sự, nhưng nhất quyết không rời bỏ triết lý của mình.
Tuyển Việt Nam của năm 2019 vẫn vận hành với tư tưởng phòng ngự chặt, phản công nhanh, trên bộ khung vững chãi có 3 trung vệ. Một số con người có thể thay đổi phù hợp với tình hình, nhưng những nguyên tắc cơ bản được gìn giữ.
Cách làm của ông Park tạo ra tác động tới chính cầu thủ. Mỗi cầu thủ đều tự hiểu họ cần làm gì để có thể phù hợp với chiến thuật đội tuyển, còn nếu không, họ sẽ tự đứng ngoài cuộc chơi. Ai cũng thấm nhuần “thông lệ” ấy và đội tuyển luôn là một khối đoàn kết trước bất cứ đối thủ nào.