| Hotline: 0983.970.780

11 nhiệm vụ trọng tâm để Bạc Liêu thành 'thủ phủ' tôm

Thứ Sáu 27/05/2022 , 17:45 (GMT+7)

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Bạc Liêu sớm thực sự trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, PV Báo NNVN đã có buổi trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu  Phạm Văn Thiều.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao đổi với PV Báo NNVN. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao đổi với PV Báo NNVN. Ảnh: Trọng Linh.

Thưa ông! Qua sơ kết 2 năm kết quả thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bạc Liêu đã đạt được những thành tựu gì?

Bạc Liêu hiện là một trong 6 tỉnh trọng điểm tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của "chuỗi cung ứng tôm” của ĐBSCL cũng như của cả nước, là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia và là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu theo Thông báo kết luận số 326 /2016 của Văn phòng Chính phủ, theo đó, Thủ tướng chỉ đạo định hướng: Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng và phê duyệt Đề án tại Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 28/7/2020.

Qua hai năm triển khai thực hiện đề án, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; phải khẳng định rằng, trong hai năm qua là hai năm “vượt khó” của con tôm.

Ngoài ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, con tôm còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường và cả thị trường tiêu thụ khi hàng loạt các nhà máy chế biến xuất khẩu phải hạn chế sản xuất, đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động.

Và trong thời gian qua, tỉnh đã tập tung rà soát lại quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất với nhiều mô hình nuôi tôm đa dạng, trong đó ấn tượng nhất là việc nhân rộng thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp, HTX và 650 hộ dân đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trong đó đã có 4 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, mô hình này đã nâng năng suất tôm tăng từ 10 đến 15 lần so với mô hình nuôi truyền thống, góp phần đưa sản lượng và chất lượng tôm của tỉnh nhà không ngừng tăng và khẳng định được thương hiệu.

Hiện nay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường. Ảnh: Trọng Linh. 

Hiện nay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường. Ảnh: Trọng Linh. 

Để thực hiện thành công đề án trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì?

Việc xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài.

Không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường; hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”.

Để đạt được mục tiêu tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra 11 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020 – 2025, như sau:

Một là, Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Đề án, phấn đấu Tỉnh là nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm và các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững.

Hai là, Chúng ta phải phấn đấu xây dựng hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, với nòng cốt là các tổ chức khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm.

Xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi CNC mô hình nông hộ. Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Ba là, Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh hướng tới đạt chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới để tôm Bạc Liêu đạt yêu cầu chất lượng và có thể xuất khẩu vào của các thị trường khó tính.

Tôm - rừng, tôm - lúa được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững, đặc biệt lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Tôm - rừng, tôm - lúa được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững, đặc biệt lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Bốn là, Giới thiệu cung cấp thông tin một cách công khai minh bạch về các quy hoạch, chủ trương đã và đang áp dụng, các dự án đề án, nhất là chủ trương về việc: “Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”.

Trong đó cụ thể hóa các khu sản xuất công nghệ cao, khu sản xuất phụ trợ, hạ tầng thủy lợi, giao thông và khả năng cung cấp nguyên nhiên liệu, điện năng... để các nhà đầu tư nắm rõ trước khi quyết định đầu tư.

Năm là, Nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân. Thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát chủ động đối với ao nuôi và kênh cấp đối với vùng đệm và các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm.

Mở rộng diện tích nuôi tôm STC, TC và BTC, phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, mô hình tôm - lúa. Đồng thời, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xác định và cấp mã số định danh vùng nuôi, mã số ao nuôi, truy xuất nguồn gốc thủy sản...

Xây dựng nhãn hiệu, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tôm của tỉnh mang thương hiệu Bạc LiêuĐặc biệt, hiện nay Bộ NN-PTNT chuẩn bị đầu tư Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu, dự kiến khởi công trong năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Đây là hệ thống công trình rất quan trọng, góp phần phục vụ vùng sản xuất tôm trọng điểm của tỉnh phía Nam quốc lộ 1A, nhất là thời điểm mùa khô hàng năm.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tổng số 25 Công ty, đơn vị và 657 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 3.905 ha. Ảnh: Trọng Linh.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tổng số 25 Công ty, đơn vị và 657 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 3.905 ha. Ảnh: Trọng Linh.

Sáu là, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí kinh phí cho các dự án ưu tiên phù hợp với thực tế địa phương, cân đối ngân sách tỉnh và trình HĐND phân bổ thực hiện các chương trình, dự án nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, bảo vệ môi trường.

Bảy là, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành, địa phương, quốc gia theo một tầm nhìn dài hạn, bền vững và tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã xây dựng, được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị.

Tám là, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân nhằm ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm các quy định của Luật bảo vệ môi trường.

Chín là, Sở Công Thương đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường xúc tiến tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu, sản phẩm OCOP…

Mười là, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Tổ chức các sự kiện, thu hút doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, hoạt động nghiên cứu, trình diễn ứng dụng công nghệ cao.

Mười một là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bạc Liêu tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp để các hộ dân đặc biệt là hộ dân nuôi tôm, tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân sản xuất, nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhằm khuyến khích để lan tỏa mô hình nuôi này.

Các nhiệm vụ nêu trên là rất quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung trong thời gian tới. Do đó, tôi rất mong các đồng chí hết sức quan tâm thực hiện và nỗ lực phấn đấu tối đa để đạt được các mục tiêu đề ra. Tôi hi vọng và tin tưởng rằng, với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh ta cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, chúng ta sẽ thành công, sớm đưa Bạc Liêu thực sự trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!