| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh cháy

Thứ Tư 07/04/2021 , 08:22 (GMT+7)

Chỉ trong vài tháng, 3 vụ cháy lớn lần lượt xảy ra, cướp đi mạng sống của 14 con người.

Đó là các vụ cháy ngày 4/2/2021 ở đường Tam Khương, phường Khương Thượng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), làm 4 thanh niên, trong đó có 2 anh em ruột, đều mới tốt nghiệp đại học nhưng chưa kịp nhận bằng, thiệt mạng.

Vụ cháy thứ 2 xảy ra ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vào rạng sáng ngày 30/3/2021, làm 6 người trong một gia đình thiệt mạng, duy nhất có 1 người thoát nạn nhưng bị bỏng nặng.

Và vụ cháy thứ 3 xảy ra vào khoảng 0 giờ 25 phút ngày 4/4/2021 tại ngôi nhà 3 tầng mang số 311 đường Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội, làm 4 người, trong đó có 1 người mang thai, cũng đều là thành viên trong 1 gia đình, thiệt mạng.

Ngoài ra, còn nhiều vụ cháy khác, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng số tài sản bị hủy hoại cũng không ít. Những vụ cháy đó đã gây xôn xao dư luận, trở thành nỗi ám ảnh cho rất nhiều người.

Những vụ cháy đó nói lên điều gì? Thứ nhất, tuyệt đại đa số các ngôi nhà ở phố đều là nhà ống, tường phía sau xây kín, hai bên giáp tường nhà hàng xóm. Chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính. Nhưng tầng 1 nơi có cửa chính lại thường được dùng làm nơi kinh doanh buôn bán, mưu sinh của cả nhà, và ban đêm thì bao nhiêu xe máy đều được để trong đó rồi khóa kín cửa.

Như ngôi nhà số 311 đường Tôn Đức Thắng chẳng hạn, nhà kinh doanh mặt hàng đồ sơ sinh, những mặt hàng rất dễ cháy, nên tầng 1 chứa đầy hàng hóa. Ban công và của sổ lại được hàn kín bằng những thanh sắt để chống trộm. Nhìn bề ngoài thì rất chắc chắn, an toàn.

Nhưng một khi đám cháy bùng lên, nhất là với những đám cháy bùng lên từ tầng 1, thì những ngôi nhà trở thành những chiếc quan tài, người bên trong không tài nào thoát ra được.

Chính vì thế mà trong cả 3 đám cháy vừa được nêu, dù được người ngoài phát hiện rất sớm. Tất cả đều nghe thấy tiếng kêu cứu thảm thiết. Tất cả đều hết sức lao vào ứng cứu. Nhưng tất cả đều bó tay.

Thứ hai, tuyệt đại đa số các gia đình đều không ai có lấy một bình cứu hỏa, để lúc phát hiện nhà cháy thì còn có phương tiện chữa cháy ngay tại chỗ. Nếu có, và nếu người trong nhà thành thạo việc sử dụng những thiết bị đó, thì khi ngọn lửa bùng lên, nó rất có thể bị khống chế.

Và thứ ba, là tuyệt đại đa số người dân đều không được học tập, được rèn luyện về kĩ năng thoát hiểm và kĩ năng cứu người trong những trường hợp đó. Vì vậy, một khi sự cố xảy ra, người ta thường rất vụng về trong ứng xử.

Để khắc phục những tình trạng đó, nên chăng cơ quan chức năng hãy vận động toàn dân: mỗi nhà nên có một vài bình chữa cháy, mỗi nhà nên có một thang dây và dự trữ những dụng cụ cần thiết để nếu xảy ra hỏa hoạn, thì có thể đập vỡ ban công hàn bằng thép rồi dùng thang dây thoát xuống đất. Và mở những lớp dạy người dân về kĩ năng thoát hiểm.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.