| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh trận lũ quét lớn nhất 70 năm qua

Thứ Năm 03/10/2024 , 08:05 (GMT+7)

Người dân bản Đửa khẳng định trong đời họ chưa từng chứng kiến trận thiên tai nào kinh hoàng đến thế, mọi thứ đến quá nhanh, ngỡ ngàng vượt ngoài sức tưởng tượng.

Lũ dữ đã rút được 2 ngày nhưng không khí hoang mang vẫn bao trùm khắp bản Đửa. Ảnh: Việt Khánh.

Lũ dữ đã rút được 2 ngày nhưng không khí hoang mang vẫn bao trùm khắp bản Đửa. Ảnh: Việt Khánh.

"Toàn bản ngập trắng hết rồi"

Bản Đửa thuộc diện khó khăn bậc nhất của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Bản có 86 hộ dân nhưng phần đa là hộ nghèo và cận nghèo.

Trưởng bản Lô Văn Du thừa nhận, bản Đửa một thời là điểm nóng về ma túy, mãi đến năm rồi mới cơ bản “sạch” tiêu chí này. Cũng bởi chìm đắm trong khói thuốc trắng mà làng bản mất nhiều con em đang ở độ căng tràn nhựa sống. Số thức tỉnh thì rày đây mai đó, quăng quật làm ăn tít tận Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…

“Thanh niên đi làm ăn xa để đỡ đần người già, trẻ nhỏ ở nhà, thực trạng này tiềm ẩn lắm mối nguy, đặc biệt là khi xảy ra sự cố thiên tai. Từ khi lập bản đến giờ, 70 năm rồi chưa từng xảy ra trận cuồng phong nào kinh hoàng đến thế. Vẫn biết ở địa bàn miền núi mưa lũ, sạt lở là chuyện như cơm bữa nhưng càn quét đến mức độ này thì chưa từng xuất hiện trong đời, ngay cả thế hệ trước, những bậc cao niên cũng thừa nhận như thế”.

Bản Đửa vừa phải hứng chịu trận thiên tai lớn nhất trong 70 năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Bản Đửa vừa phải hứng chịu trận thiên tai lớn nhất trong 70 năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Ký ức hãi hùng lần này chắc hẳn sẽ ám ảnh người dân bản Đửa còn lâu. Sự thể bắt đầu vào khoảng 21h ngày 30/9, trong đêm tối bất chợt trời nổi sấm chớp bất thường, sau đó kéo theo mưa lớn liên hồi. Chừng 1 tiếng sau lũ quét xuất hiện, lúc này nước từ trên ngàn đổ về không ngớt mang theo bùn lầy và đất đá như muốn cuốn phăng tất cả. Phút chốc bản Đửa bị cô lập, chia cắt hoàn toàn, trên phân nửa số hộ bị ngập nặng, việc di dời cực kỳ khó khăn.

Trên thực tế, trưởng bản Lô Văn Du và cộng sự đã lường trước kịch bản có thể xảy đến. Bằng chứng, 30 phút trước khi lũ quét tràn về ông Du đã chủ động thông tin, yêu cầu các hộ dân, đặc biệt là những nhà sống dưới khe Mạt khẩn trương di dời đến nơi an toàn, có điều đường đi của lũ dữ quá khó lường thành ra bế tắc liên hồi. Giữa đếm tối mịt mùng nước dâng cao ngút khiến nhiều hộ bấn loạn, chẳng biết đường nào mà lần, có trường hợp hoảng loạn đến mức thấy người đến trợ giúp mà ú ớ mãi không thành câu.

"Sau khi chốt phương án, anh em chúng tôi cấp tập di chuyển đến nhà những người già bị tai biến, hoặc tuổi cao sức yếu không thể tự đi lại. Đầu tiên là ông Vi Xuân Đồng, tiếp đó là ông Kha Văn Ma. Kế ông Ma là ông Sắn, ông Tiến. Xong xuôi đâu đó lại dàn quân đến các điểm khác để cứu dân, cứ thế ngược xuôi như con thoi giữa dòng nước đục.

Cụ Ma Văn Kha (bên trái) run cầm cập khi kể về giây phút hãi hùng của đời mình. Ảnh: Việt Khánh.

Cụ Ma Văn Kha (bên trái) run cầm cập khi kể về giây phút hãi hùng của đời mình. Ảnh: Việt Khánh.

Vần vũ đủ đường nhưng trước thiên tai sức người thật nhỏ bé, từ đầu chí cuối luôn bị đặt vào thế bị động. Kế hoạch ban đầu sẽ di dời mọi người đến nhà tránh lũ cộng đồng, nào ngờ nơi đây ngập trắng băng lại phải túa đến những điểm cao hơn, thấy chỗ nào an toàn thì tạt vào tránh trú. Thông tin lúc này bấn loạn hết cả, cảm giác như chết đến nơi rồi. Tôi nhớ chỉ kịp báo cáo cho bác Phúc (ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh) mấy lời gọn lỏn: Hiện tại ngập hết cả bản rồi, trong này chẳng biết sống chết ra sao”, ông Du kể.      

Là nhân chứng sống, người trực tiếp trải qua phút giây sinh tử, cụ Kha Văn Luyện, thường gọi là Kha Văn Ma đến giờ vẫn chưa hết hoàn hồn. Lũ đã rút được gần 2 ngày rồi nhưng nhà cụ Ma vẫn ngổn ngang như bãi chiến trường, từ trong nhà ra ngoài ngõ bùn lầy đặc quánh vẫn chi chít khắp lối.  

Ngồi bệt giữa sân, chân còn run cầm cập, cụ Ma thảng thốt nhớ lại thời khắc hãi hùng: “Nhà tôi con đàn cháu đống nhưng đứa thì chết, đứa đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn mỗi ông bà già nương tựa lẫn nhau, khổ sở nhiều rồi nhưng chưa bao giờ hoang mang đến vậy. Đêm đó tôi và bà nhà đang say giấc thì bất chợt thức tỉnh bởi tiếng người la hét thất thanh bên ngoài vọng lại, khi định thần lại mới hay lũ đã tràn về. Điện mất, sóng điện thoại lại chập chờn, trong thế bất trắc tôi gắng sức, dò dẫm giữa dòng dòng men ra ngoài kiếm người trợ giúp. May thay cán bộ bản có mặt ứng cứu kịp thời, bằng không giờ này đã thành người thiên cổ”.

Người dân nhọc nhằn khắc phục hậu quả. Ảnh: Việt Khánh. 

Người dân nhọc nhằn khắc phục hậu quả. Ảnh: Việt Khánh. 

Gia đình ông Lương Văn Long ở cách đó không xa cũng chung tâm trạng âu lo tột độ, chỉ sau vài chục phút ngắn ngủi thôi trận lũ quét đã kịp để lại di chứng quá kinh hoàng. Tối hôm trước đó, sau giờ cơm cả nhà ông Long đang quây quầy tán gẫu như thường lệ thì nước trên nguồn bất chợt đổ về trong sự kinh ngạc của tất thảy. Tình hình xoay chuyển nhanh ngỡ ngàng, đến mức nhiều người trong cuộc vẫn không dám chắc là tỉnh hay mơ.

“Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới gặp cảnh này, thú thực đến giờ tôi vẫn chưa tin đây là sự thật. Xót của tôi gắng gượng vơ vén chút đồ đạc mang theo nhưng không kịp, thằng con thấy nguy khốn liền kéo tôi chạy trối chết, lúc đó nước đã ngập ngang ngực rồi. Bước đến đâu cảm nhận rõ nước chảy xiết đến đó, khi ngoái đầu lại thấy đồ đạc trôi tuột hết cả, đến chiếc tủ lạnh nặng như con trâu mộng, hay 3 con bò lực lưỡng nhốt ngoài chuồng cũng chịu chung số phận, thật là đau xót”,  ông Long rầu rĩ.

Bản Đửa nguy nan

Mưa đã thôi rơi, lũ dữ đã tạm thời qua đi nhưng cảm giác bất an, lo lắng vẫn bao trùm khắp bản Đửa. Gần dân, sát dân trong những lúc cấp bách, nguy nan nhất, trưởng bản Lô Văn Du hiểu hơn ai hết tình cảnh của đồng bào lúc này:

Người dân vùng 'rốn lũ' cần được quan tâm, sẻ chia. Ảnh: Việt Khánh.

Người dân vùng "rốn lũ" cần được quan tâm, sẻ chia. Ảnh: Việt Khánh.

“Chưa có thống kê chính thức nhưng chắn chắn thiệt hại vô cùng nặng nề, may mắn lớn nhất là không có thương vong về người. Hậu bão lũ sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn tứ tung, lúc này bà con đang thiếu thốn đủ bề, từ vật chất đến tinh thần. Sau khi lũ rút mọi người khẩn trương tiến hành thu dọn, khắc phục hậu quả, có điều mọi thứ đang nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Bản Đửa đang trong thời điểm khốn khó bậc nhất, lúc này đây cần sự sẻ chia, giúp sức của cộng đồng mới mong vực nổi”.

Trưởng bản Lô Văn Du không hề quá lời, thậm chí mới lột tả phần nhỏ nỗi cơ cực mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Nơi dải đất cao này đồng bào vẫn nặng gánh cơm áo gạo tiền, số đông vẫn trong cảnh khốn khó do bí bách đủ đường. Họ sống ở rừng nhưng không cậy nhờ được vốn rừng, đôi đồng nhận khoán bèo bọt chưa đủ no cái bụng. Trồng trọt thì không có đất, chăn nuôi lại đối diện với muôn vàn nguy cơ, đơn cử như đợt này, khi thiên tai tràn về số lượng lớn gia súc chăn thả rông trong rừng vẫn chưa biết sống chết ra sao.    

Trong ngày 2/10, đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp đến địa bàn xã Lượng Minh để ghi nhận và sẻ chia với những mất mát của người dân, trong đó tiêu điểm là “rốn lũ” bản Đửa.

Xem thêm
Sắp xếp bộ máy địa phương trước 20/2

Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác sắp xếp, tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện hoạt động đồng bộ với việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên đỉnh mù sương

Chớm xuân, Y Tý rét cắt da cắt thịt, mây mù bao phủ khắp nơi còn người Hà Nhì đã sẵn sàng đón Tết trong những mái nhà trình tường ấm cúng.

Bình luận mới nhất