| Hotline: 0983.970.780

Australia đầu tư thu hoạch lúa bền vững cho các hộ sản xuất nhỏ ĐBSCL

Thứ Ba 12/12/2023 , 22:23 (GMT+7)

Australia đang hợp tác với một tổ chức phi chính phủ triển khai dự án trị giá 17 triệu USD nhằm khuyến khích thu hoạch lúa bền vững cho các hộ sản xuất nhỏ ở ĐBSCL.

Trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp tại Lễ phát động Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Ảnh: Tùng Đinh.

Trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp tại Lễ phát động Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã có những chia sể về tình hình hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Australia cũng như những nỗ lực của Việt Nam hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm, bền vững thông qua Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Thưa ông, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao kỳ vọng sẽ làm thay đổi cuộc sống của người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước tiên, ông đánh giá thế nào về Đề án này?

Về Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", tôi cho rằng đây là một sáng kiến hay. Đề án hứa hẹn về một kết hoạch tổng thể tại khu vực ĐBSCL, tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận rằng những thứ Việt Nam đang theo đuổi khá phức tạp.

Đây là một sáng kiến trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực nhưng đồng thời cũng giúp Việt Nam thực hiện sứ mệnh về biến đổi khí hậu, bảo vệ sự lành mạnh của dòng sông Mê Kông hùng vĩ, bảo vệ phúc lợi của hàng trăm ngàn hộ nông dân nhỏ quanh sông Mê Kông. Những vấn đề phức tạp, đòi hỏi những giải pháp phức tạp.

Tôi rất vui khi nhận thấy Chính phủ Việt Nam có thể tìm kiếm lời khuyên từ nhiều bên khác nhau và tham vấn các giải pháp này. Đương nhiên, Australia cam kết đồng hành cùng Việt Nam để tìm kiếm các giải pháp.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã có những chia sể về Đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: Thanh Thủy.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã có những chia sể về Đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: Thanh Thủy.

COP28 vừa kết thúc, nội dung tập trung rất nhiều vào sản xuất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, phát thải ròng bằng 0. Vậy, Australia sẽ có những dự án nào để đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu chung, sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, đảm bảo sinh kế bền vững cho các nông hộ trồng lúa?

Australia đã tham gia vào lĩnh vực lúa gạo ở khu vực Mê Kông từ năm 1995. Chúng tôi có 14 dự án khác nhau liên quan đến sản xuất lúa gạo bền vững.

Bốn trong số các dự án đó hiện đang được triển khai, ngoài ra chúng tôi đang hợp tác với một trong những tổ chức phi chính phủ trong một dự án trị giá 17 triệu USD sẽ bắt đầu vào cuối năm nay nhằm khuyến khích thu hoạch lúa bền vững cho các hộ sản xuất nhỏ ở ĐBSCL. Chúng tôi hy vọng rằng trước khi kết thúc, dự án sẽ có sự tham gia của tối đa 200.000 hộ sản xuất nhỏ và đây sẽ là một dự án vô cùng quan trọng.

Điều tiếp theo mà tôi muốn đề cập đến đó là, trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong đến Việt Nam hồi tháng 8 vừa qua, bà đã thông báo về những dự án ứng phó biến đổi khí hậu trị giá 95 triệu đô la Úc tại vùng ĐBSCL, trong đó một phần lớn khoản tài trợ này sẽ dành cho nông nghiệp.

Dự án sẽ có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp với nông hộ nhỏ và cả sự tham gia của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Vậy nên, Australia sẽ tiếp tục có nhiều việc để làm trong lĩnh vực này.

Điều nữa là, chúng tôi cũng là những nông dân trồng lúa ở Australia, cũng xuất khẩu gạo và cũng gặp những thách thức trong việc quản lý nước, vì vậy tôi nghĩ chúng tôi có thể học hỏi lẫn nhau và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác trên cơ sở đó.

Tham gia Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam, thông điệp đưa ra là "Thịnh vượng khởi nguồn từ người trồng lúa". Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để đưa khối nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân tạo thành một hệ sinh thái trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới?

Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã hiểu rõ về những thách thức và đang đi theo hướng đúng với những quyết định của mình. Tôi cho rằng ngành nông nghiệp đã có thể rút ra những bài học từ quá khứ, rằng không phải mọi vấn đề môi trường đều cần giải pháp kỹ thuật.

Chúng ta có thể tiến về phía trước, chúng ta sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi, tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Và bằng cách đó, tôi nghĩ chúng ta sẽ có được câu trả lời đúng.

Xin cảm ơn ông!

Trong buổi làm việc với thành phố Cần Thơ trước đó về tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho rằng Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã có nhiều giải pháp cho những vấn đề đang đối mặt như xâm nhập mặn, chuyển đổi sinh kế, sạt lở…

Các giải pháp này đã phát huy những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như xây đê chống xâm nhập mặn sẽ để lại hệ lụy về ngập úng; khai thác nguồn nước ngầm chưa hợp lý sẽ dẫn tới sụt lún, sạt lở…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia, Chính phủ Australia đã hợp tác cùng Việt Nam trong phát triển các giống mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Hai bên triển khai các dự án đảm bảo mang lại nguồn lợi và an toàn cho các vùng bờ biển, vùng ngập mặn.

Thời gian tới, Đại sứ mong muốn Việt Nam và Australia sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa các hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

(Thực hiện)

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.