
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ chiều 7/4. Ảnh: Khương Trung.
Chiều 7/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ cùng các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu nông sản chủ đạo sang thị trường Hoa Kỳ. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đảo lộn, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng mới hôm 3/4.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Bộ và Chính phủ đã có nhiều động thái ngay sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng mới, trong đó con số đưa ra với Việt Nam là 46%.
Theo đó, hiện nay Việt Nam mong muốn có thể đàm phán với phía Hoa Kỳ để đưa ra các giải pháp nhằm hạ mức thuế này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chúng ta phải luôn chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất là Hoa Kỳ vẫn áp dụng chính sách này, không trì hoãn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh đến các giải pháp với kịch bản Hoa Kỳ không đàm phán giảm thuế. Ảnh: Khương Trung.
Do đó, trong buổi làm việc chiều 7/4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội cùng với Bộ đánh giá khái quát về tình hình chung hiện nay. Sau đó là cùng bàn bạc, hiến kế để có thêm giải pháp ứng phó với tình hình. “Những giải pháp có thể là gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất. Do đó Bộ muốn được các doanh nghiệp chia sẻ về tâm tư, mong muốn được hỗ trợ, có thể là thuế, có thể là cơ chế tài chính, tín dụng…”, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường gợi ý.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh lại, giải pháp đàm phán giảm thuế là điều mong muốn nhất, nhưng phải tính đến việc không được như kỳ vọng để có phương án chuyển hướng thích hợp.
Tận dụng tối đa thời gian giao hàng trước 9/4
Tận dụng thời gian, tạo điều kiện để giao hàng trước 9/4 là giải pháp mà Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đưa ra trong buổi làm việc với Bộ trưởng và các doanh nghiệp, hiệp hội.
Theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong những năm vừa qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang Hoa Kỳ đều đạt trên mức 13 tỷ USD (xuất siêu trên 10 tỷ USD) và nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng trên 3 tỷ USD/năm. Riêng năm 2024 xuất khẩu đạt 14,31 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023 và nhập khẩu đạt 3,44 tỷ USD.
Còn trong quý I năm 2025, Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ đạt 3,21 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2024 và nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 914 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các mặt hàng chủ lực qua nhiều năm vẫn là gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê và rau quả.
Theo ông Phong, việc áp thuế cơ bản 10% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ có tác động trực tiếp đến tổng thể cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung, tác động lớn đến xuất khẩu NLTS của Việt Nam và ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2025.

Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường báo cáo về tình hình thương mại nông sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ảnh: Khương Trung.
Hiện nay, dù mức thuế đối ứng là 46%, tuy nhiên áp dụng cho từng ngành là khác nhau. Do đó cần có sự phân tích đánh giá một cách cụ thể hơn về biểu thuế sẽ áp đối với từng mặt hàng NLTS của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Về đề xuất các giải pháp, ông Ngô Hồng Phong cho biết, trước mắt cần thông tin và tạo điều kiện (về logistics, thủ tục hải quan...) để các doanh nghiệp kịp đẩy nhanh việc giao hàng trước thời điểm ngày 9/4/2025 và càng sớm càng tốt trong thời gian 1-3 tháng tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động trao đổi với khách hàng, đối tác nhập khẩu để có phương án xử lý các hợp đồng đã ký kết, cùng chia sẻ trách nhiệm khi bị áp thuế bổ sung.
Song song đó, tiếp tục xem xét phương án xử lý đối với các nội dung mà phía Hoa Kỳ quan ngại. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ để tránh việc Hoa Kỳ "cho là" gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc và xem xét quyết định cuối cùng về phương án đề xuất áp thuế về 0%.
Trong dài hạn, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng cần chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang một số nước có FTA với Việt Nam, tương ứng với tiêu chí về dung lượng thị trường, có thể là Trung Quốc hoặc châu Âu.
Về thứ tự ưu tiên chuyển hướng mà Cục đưa ra với từng sản phẩm là: gỗ và sản phẩm gỗ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, EU; thủy sản hướng đến Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc; hạt điều hướng đến EU, Trung Quốc, UAE, Anh; hạt tiêu hướng đến EU, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc; rau quả hướng đến Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN; cà phê hướng đến Đức, Italia và Nhật Bản.